Bệnh Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh có tốc độ lây nhiễm nhanh và biến chứng nguy hiểm. Nguy hiểm nhất là bệnh không có dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn đầu.
Trong bài viết này, 400clinic sẽ giúp bạn hiểu tường tận về bệnh Chlamydia, đồng thời hướng dẫn bạn cách nhìn nhận các dấu hiệu của bệnh, để bạn sớm nhận diện và điều trị kịp thời.
1. Bệnh Chlamydia là bệnh gì?
Bệnh Chlamydia là bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn cùng tên Chlamydia Trachomatis gây ra. Chlamydia là một loại vi khuẩn đặc biệt ký sinh bắt buộc trong tế bào sống, hình cầu, có kích thước trung gian giữa vi khuẩn và vi rút do hệ thống gen di truyền.
Bệnh Chlamydia xảy ra ở cả hai giới. Nam giới có thể bị nhiễm bệnh Chlamydia bên trong dương vật, hậu môn hoặc thành cổ họng. Phụ nữ bị nhiễm bệnh Chlamydia sẽ bị ở những vị trí như tử cung, hậu môn, mắt, cổ họng.
Nếu không được chẩn đoán và sớm điều trị, bệnh sẽ dần trở nặng và ngày càng khó điều trị hơn.
2. Bệnh Chlamydia có lây truyền không?
Bệnh Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên con đường lây lan chính của bệnh là khi quan hệ tình dục. Kể cả quan hệ bằng miệng, hậu môn hay thâm nhập âm đạo đều là con đường chính dẫn đến nhiễm bệnh.
Bạn càng có nhiều bạn tình, thường xuyên tham gia và các mối quan hệ tình một đêm (ONS), Friend With Benefit, quan hệ nhiều người (some); nguy cơ lây nhiễm càng cao.
Yếu tố nguy cơ tăng khả năng nhiễm bệnh
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Chlamydia:
- Quan hệ với nhiều bạn tình.
- Quan hệ tình dục đồng tính nam – nam hoặc nữ – nữ.
- Quan hệ tình dục khi chưa biết cách quan hệ tình dục an toàn.
- Không sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
- Có tiền sử mắc các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh Chlamydia, Herpes sinh dục, sùi mào gà, nổi mụn ở dương vật,..
3. Triệu chứng khi bị nhiễm bệnh Chlamydia là gì?
Theo 400clinic, bệnh Chlamydia thường không có dấu hiệu hay triệu chứng nào rõ rệt trong giai đoạn đầu của bệnh. Cộng thêm với thói quen phớt lờ và xem nhẹ các dấu hiệu, nên người bệnh ít khi có thể nhận diện được rằng mình đang mắc bệnh. Chỉ cho đến khi nhận diện được các triệu chứng thì bệnh đã bắt đầu nặng và bước vào giai đoạn cấp tính.
Các triệu chứng chung thường xuất hiện ở các vị trí như:
- Họng: thường không có triệu chứng
- Hậu môn: khó chịu và tiết dịch.
- Mắt: đỏ, đau và nhiễm trùng.
Những triệu chứng này sẽ bắt đầu xuất hiện trong khoảng 1 – 3 tuần sau khi nhiễm bệnh.
3.1 Triệu chứng bệnh Chlamydia ở nam giới
- Đau tinh hoàn.
- Đau buốt khi tiểu.
- Nóng rát, ngứa lan rộng ở đầu lỗ sáo, lỗ dương vật.
- Có dịch trắng đục, mùi khai hơi nồng tiết ra từ lỗ sáo dương vật.
- Trường hợp nặng có thể đau, sưng ở 1 hoặc 2 bên tinh hoàn.
- Rối loạn xuất tinh, có thể thấy đau và kèm theo máu khi xuất tinh.
3.2 Triệu chứng bệnh Chlamydia ở nữ giới
- Viêm cổ tử cung.
- Chảy máu vùng kín.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau bụng kèm theo sốt, buồn nôn.
- Tiết dịch âm đạo bất thường hoặc có mùi.
- Vùng kín ngứa dữ dội, đau rát khi đi vệ sinh.
Đau bụng dưới, bụng trên, hoặc đau các vị trí khác nhau,..
4. Nguyên nhân gây bệnh bệnh Chlamydia
Như đã đề cập ở trên, bệnh Chlamydia là bệnh do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis (CT) gây nên; cụ thể là lây qua đường quan hệ tình dục. Đây là chủng vi khuẩn có tốc độ tăng trưởng và nhân đôi rất nhanh. Thời gian nhân đôi của vi khuẩn CT là trong khoảng 48 – 72 giờ; sau đó chúng sẽ bắt đầu tấn công và gây tổn thương niêm mạc.
Chlamydia có 3 biến thể khác nhau về biểu hiện lâm sàng và sinh học:
- Vi khuẩn chlamydia psittaci: thường có ở chim, lây nhiễm sang người gây bệnh sốt vẹt.
- Vi khuẩn chlamydia pneumoniae: nguyên nhân chính gây bệnh về đường hô hấp.
- Vi khuẩn chlamydia trachomatis: biến thể chính gây ra các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục hoặc đau mắt hột.
Chlamydia trachomatis là vi khuẩn có trong dịch tiết âm đạo, niệu đạo, cổ tử cung. Do đó, khi bạn quan hệ với người bệnh qua đường thâm nhập âm đạo thì gần như là bạn đã bị lây nhiễm. Phụ nữ mang thai cũng sẽ lây truyền qua con trong khi sinh và cho con bú.
Bệnh Chlamydia phổ biến như thế nào?
Năm 2018, thống kê của Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh – CDC ước tính khoảng 4 triệu trường hợp mắc bệnh Chlamydia ở Hoa Kỳ. Trong số đó, tỷ lệ nhiễm trùng cao nhất là ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 24 tuổi.
Nhìn xa ra toàn thế giới thì con số mắc bệnh Chlamydia đã lên tới 131 triệu ca được ghi nhận. Tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với bệnh lậu và 50 lần so với bệnh giang mai. Mặc dù tất cả các bệnh này đều thuộc nhóm bệnh lây qua đường tình dục.
5. Bệnh Chlamydia được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chlamydia thông qua các xét nghiệm. Bạn cần kiểm tra bệnh hàng năm nếu bạn dưới 25 tuổi và đang quan hệ tình dục. Nếu trên 25 tuổi, bạn nên kiểm tra mỗi năm khi bạn quan hệ với nhiều người mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ hoặc có tiền sử bệnh trong quá khứ.
-
- Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT): Phương pháp này có thể thực hiện với mẫu nước tiểu của cả nam và nữ.
- Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA): phát hiện kháng nguyên Chlamydia bằng kháng thể đơn dòng nhưng độ nhạy không cao, đạt khoảng 60% – 85% so với nuôi cấy. Độ đặc hiệu có thể đạt đến 99%.
- Phương pháp miễn dịch gắn men (EIA): giúp tìm thấy kháng thể kháng Chlamydia trong máu bệnh nhân, đồng thời, kích hoạt hệ thống miễn dịch. Độ nhạy của phương pháp này đạt 60% – 80%, đặc hiệu 97% – 99%.
- Phản ứng chuỗi PCR (Polymerase), LCR (Ligase chain reaction) và TMA: kỹ thuật có độ nhạy và đặc hiệu cao nhất. Bệnh phẩm được lấy từ cổ tử cung, niệu đạo và nước tiểu. Độ đặc hiệu đạt 99%, độ nhạy dao động từ 70% – 100%.
6. Cách điều trị bệnh Chlamydia
Bác sĩ sẽ điều trị bệnh bằng kháng sinh. Bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán đúng. Sau đó, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh cho bạn và bạn tình của mình trong 5-10 ngày.
Trong một số trường hợp, mất 2 tuần để điều trị hoàn toàn bệnh chlamydia. Bạn không nên quan hệ tình dục trong thời gian này để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Bạn cần tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận.
Điều quan trọng là phải uống hết kháng sinh đúng như yêu cầu của bác sĩ để ngăn ngừa kháng thuốc và nhiễm trùng tái phát. Sau khi điều trị, bạn sẽ không có kháng thể chống lại các bệnh nhiễm chlamydia, do đó tái nhiễm vẫn có thể xảy ra.
7. Cách phòng ngừa mắc bệnh Chlamydia
Trong quá trình điều trị, bạn cần kiêng quan hệ tình dục. Vì quan hệ sẽ khiến bệnh lâu khỏi, tái nhiễm nhiều lần và có thể lây lan cho người khác.
8. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên. Ngoài ra, bạn cũng nên đến khám bác sĩ nếu phát hiện bạn tình của mình có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Thậm chí, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và bạn tình, bạn nên đi khám sức khỏe sinh sản đình kỳ tối thiểu 1 lần mỗi năm.