Co thắt âm đạo có nhiều loại và mức độ khác nhau, khiến bất kì ai cũng có cảm giác lo lắng về sức khỏe của mình. Nguyên nhân gây co thắt âm đạo rất đa dạng, có thể do đau bụng kinh hoặc các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung,…Hãy cùng bài viết tìm hiểu chi tiết về nNguyên nhân dẫn đến tình trạng co thắt âm đạo là gì?
1. Co thắt âm đạo có đáng lo ngại không?
Co thắt âm đạo có nhiều loại và mức độ đau cũng khác nhau – từ những cơn đau nhẹ đến những cơn đau nhói. Vị trí đau cũng có thể khác nhau, từ bụng dưới đến khung chậu hoặc âm đạo.
Nếu một người cảm thấy đau hoặc khó chịu ở âm đạo, nguyên nhân có thể do nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác liên quan đến một hoặc nhiều cơ quan sinh sản trong cơ thể. Cơn đau này có thể bắt nguồn từ:
- Âm đạo
- Môi âm hộ
- Cổ tử cung
- Buồng trứng
- Vòi trứng
- Tử cung
Các biến chứng trong quá trình mang thai cũng có thể gây ra đau âm đạo. Một số trường hợp bị co thắt âm đạo có thể bắt nguồn từ những vấn đề nghiêm trọng, vì vậy bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra khi gặp các triệu chứng âm đạo bị co thắt.
2. Một số tình trạng, bệnh lý có thể gây co thắt âm đạo
Theo nghiên cứu, tình trạng co thắt âm đạo có thể là dấu hiệu cho các tình trạng, bệnh lý sau đây:
2.1 Đau bụng kinh
Đau bụng kinh là tình trạng thường gặp trong thời kỳ hành kinh của phụ nữ. Khoảng 16-91% phụ nữ bị co thắt âm đạo và đau đớn trong các kỳ kinh và khoảng 29% phụ nữ bị đau dữ dội.
Có 2 loại đau bụng kinh:
2.1.1 Đau bụng kinh nguyên phát (primary dysmenorrhea):
- Xuất hiện trong kỳ kinh do tử cung co bóp để đẩy lớp niêm mạc ra ngoài, cơn đau này không liên quan đến các bệnh lý phụ khoa.
- Cơn đau thường bắt đầu 1-2 ngày trước kỳ kinh hoặc khi bắt đầu có kinh nguyệt.
- Vị trí đau thường ở vùng bụng dưới.
- Các triệu chứng thường gặp kèm theo: Buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy
2.1.2 Đau bụng kinh thứ phát (secondary dysmenorrhea):
- Các cơn đau bắt nguồn từ những bệnh lý nền ở cơ quan sinh sản như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, hoặc tăng sản nội mạc tử cung.
- Cơn đau thường xuất hiện sớm hơn trong chu kỳ kinh và kéo dài hơn so với đau bụng kinh thông thường.
2.2 Viêm cổ tử cung
Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung và là nơi nối tử cung với âm đạo. Viêm cổ tử cung là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng co thắt âm đạo.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) là bệnh lý rất phổ biến với gần 20 triệu ca nhiễm mới được chẩn đoán mỗi năm và cũng là nguyên nhân gây viêm cổ tử cung thường gặp.
Thông thường, bệnh nhân phát hiện ra bệnh sau khi thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung hoặc các xét nghiệm khác liên quan đến cổ tử cung và vùng chậu. Triệu chứng của bệnh viêm cổ tử cung bao gồm:
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Dịch âm đạo màu xanh lá, nâu hoặc vàng, có mùi hôi.
- Ra máu âm đạo.
- Đi tiểu nhiều lần.
- Đau khi đi tiểu (nếu niệu đạo cũng bị nhiễm trùng).
- Ra máu sau khi quan hệ tình dục ngoài kỳ kinh nguyệt.
2.3 Lạc nội mạc tử cung
Đây là tình trạng mô nội mạc tử cung – tức lớp mô lót bên trong buồng tử cung – phát triển bất thường bên ngoài buồng tử cung, thường gặp ở buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc mặt ngoài tử cung. Lạc nội mạc tử cung cũng là nguyên nhân phổ biến gây co thắt âm đạo.
Mỗi tháng, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra trong kỳ kinh nguyệt. Mô nội mạc ở các vị trí khác không bong ra theo chu kỳ kinh nguyệt bình thường, gây ra tình trạng viêm và tạo mô sẹo tại chỗ.
Hơn 11% phụ nữ ở độ tuổi 15-44 mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau khi đi tiểu hoặc đại tiện trong kỳ kinh nguyệt.
- Ra máu giữa kỳ kinh.
- Đau lưng.
- Khó thụ thai.
- Tiêu chảy, táo bón, đầy hơi (thường nặng hơn trong kỳ kinh).
2.4 Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
UTI là một trong những nguyên nhân gây co thắt âm đạo, bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi tại đường tiết niệu, bao gồm: niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận:
- UTI thường gặp hơn ở nữ giới so với nam giới.
- Khoảng 40-60% phụ nữ sẽ mắc UTI ít nhất một lần trong đời.
- Trong phần lớn trường hợp UTI, nhiễm trùng xảy ra tại bàng quang.
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Cơn đau tập trung ở giữa xương chậu và gần vùng xương mu
- Rát buốt khi đi tiểu.
- Nước tiểu đục hoặc có mùi.
- Nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ.
- Tiểu buốt, tiểu nhiều lần hoặc cảm giác mót rặn liên tục.
2.5 U nang buồng trứng
U nang là tình trạng các túi chứa chất lỏng được bao bọc trong màng và hình thành trong hoặc trên nhiều phần của cơ thể – bao gồm cả buồng trứng. Khoảng 8-18% phụ nữ mắc u nang buồng trứng.
U nang buồng trứng thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, một u nang lớn hoặc tình trạng vỡ u nang có thể gây đau.
Cơn đau do u nang buồng trứng thường tập trung ở phần dưới của bụng dưới, bên có nang buồng trứng, gây ra cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội, nhói buốt và cũng là một nguyên nhân gây co thắt âm đạo.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Bụng chướng.
- Cảm giác đầy bụng.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Buồn nôn và nôn.
2.6 U xơ tử cung
U xơ tử cung là tình trạng các khối u lành tính phát triển trong cơ tử cung. Đây là bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng đến khoảng 70% phụ nữ, và cũng là một trong những nguyên nhân gây co thắt âm đạo.
Kích thước u xơ có thể nhỏ đến mức khó có thể nhìn thấy hoặc đủ lớn để làm căng giãn tử cung. U xơ tử cung không phải ung thư và thường không làm tăng nguy cơ ung thư.
Nhiều trường hợp u xơ tử cung không có triệu chứng, đặc biệt khi u xơ nhỏ. Khối u phát triển lớn hoặc chèn ép lên buồng trứng hoặc các cấu trúc lân cận có thể gây ra:
- Đau hoặc chèn ép vùng chậu.
- Ra nhiều máu kinh hoặc thời gian hành kinh kéo dài.
- Chảy máu giữa kỳ kinh.
- Đi tiểu nhiều lần.
- Tiểu không hết.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Táo bón.
- Đau lưng dưới.
- Đau chân.
2.7 Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng thụ tinh bên ngoài khoang tử cung – chẳng hạn như bên trong ống dẫn trứng. Dấu hiệu đầu tiên khi mang thai ngoài tử cung là đau vùng xương chậu hoặc bụng. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Co thắt âm đạo.
- Chóng mặt.
- Ngất xỉu.
Mang thai ngoài tử cung là trường hợp y tế cần cấp cứu, trứng sau khi thụ tinh không thể phát triển thành thai nhi. Tình trạng này kéo dài có thể làm vỡ ống dẫn trứng dẫn đến chảy máu, đe doạ tính mạng và gây ra các biến chứng khác ở thai phụ.
Nhìn chung, co thắt âm đạo là một tình trạng phổ biến và có thể xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân. Việc điều trị co thắt âm đạo có thể đơn giản hoặc phức tạp, tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chính vì thế, chị em phụ nữ cần theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân, chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.