Phá thai là hành vi cần được xem xét về cả mặt y học và đạo đức, chỉ những trường hợp không thể tiếp tục thai kỳ mới bỏ thai. Trong những trường hợp bất khả kháng buộc phải phá thai, chị em cần biết phá thai xong kiêng gì để nhanh hồi phục, cũng như hạn chế biến chứng nguy hiểm về sau.
Điều gì có thể xảy ra sau phá thai?
Phá thai là chấm dứt một thai kỳ bằng cách lấy thai ra khỏi tử cung người mẹ trước thời kỳ sinh nở. Phương pháp này được chỉ định trong những tình huống mang thai ngoài ý muốn, thai phụ mắc bệnh lý nguy hiểm không thể mang thai hoặc thai nhi có dị tật nặng.
Tùy vào thể trạng của thai phụ và tuổi thai mà bác sĩ sẽ có tư vấn và chỉ định phương pháp phá thai phù hợp. Hiện nay có 3 cách phá thai phổ biến nhất gồm:
- Phá thai bằng thuốc: Được chỉ định ở tuổi thai 4-7 tuần. Ở tuổi thai lớn hơn vẫn có thể sử dụng thuốc, tuy nhiên tỷ lệ thành công thấp hơn hoặc có thể cần can thiệp thêm thủ thuật.
- Hút thai chân không: Được chỉ định ở tuổi thai 6-12 tuần.
- Nong nạo gắp thai: Được chỉ định ở tuổi thai 13-18 tuần.
1. Chảy máu âm đạo
Tình trạng chảy máu âm đạo sau phá thai là khác nhau ở mỗi người tùy theo thể trạng. Nhìn chung, nếu phá thai nội khoa (tức là phá thai bằng thuốc), chị em sẽ chảy máu sau khi uống Misoprostol thông thường là 2 tuần, một số trường hợp có thể ra kéo dài hơn khoảng 4 tuần.
Đối với phá thai ngoại khoa (như hút thai chân không hoặc nong nạo gắp thai), chị em có thể ra máu ít trong vài ngày đầu tiên, thông thường khoảng 1 tuần. Thông thường tình trạng chảy máu sẽ kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần, sau đó giảm dần và hết hẳn. Một số trường hợp có thể ra máu lấm tấm, kéo dài đến 4 tuần.
Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu không thuyên giảm, lượng máu nhiều thấm ướt 2 băng vệ sinh mỗi giờ trong 2 giờ liên tục, hoặc ra huyết kéo dài hơn 4 tuần chị em cần đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
2. Đau vùng bụng dưới
Sau phá thai chị em sẽ đau bụng dưới, ngưỡng đau còn tùy thuộc mỗi người và sẽ giảm dần. Tuy nhiên nếu tình trạng đau bụng ngày càng tăng kèm sốt, ớn lạnh, chị em nên khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng điều trị.
3. Các dấu hiệu khác
- Đau bầu ngực: Đau bầu ngực hoặc đau vú có thể bắt đầu trước khi phá thai và tiếp tục sau khi phá thai. Trong nhiều trường hợp, đau bầu ngực là tác dụng phụ biến mất cuối cùng.
- Tiết dịch âm đạo: Hiện tượng tiết dịch âm đạo như chất nhầy, có màu đỏ, tím, khí hư có màu nâu hoặc đen là hoàn toàn bình thường. Nếu thấy dịch tiết nhiều và có mùi hôi khó chịu, chị em hãy thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ.
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy: Các triệu chứng này có thể kéo dài khoảng 24 giờ sau phá thai ngoại khoa hoặc vài ngày đối với phá thai nội khoa. Nếu triệu chứng kéo dài lâu hơn, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
- Ớn lạnh: Một số trường hợp có thể cảm thấy ớn lạnh, người run rẩy sau dùng thuốc phá thai nội khoa. Nếu kèm theo sốt cao uống thuốc nhưng không hạ sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân.
- Mệt mỏi: Tương tự các thủ thuật khác, sau phá thai chị em cần nghỉ ngơi nhiều để nhanh hồi phục. Buồn ngủ, thiếu năng lượng là hoàn toàn bình thường trong giai đoạn này.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Chị em cần đến ngay cơ sở y tế khi nhận thấy các triệu chứng nặng nề sau:
- Hoa mắt, chóng mặt và ngất xỉu;
- Khó thở;
- Đau bụng dữ dội;
- Ra máu âm đạo nhiều;
- Sốt cao;
- Dịch âm đạo có mùi hôi bất thường;
- Lo lắng việc phá thai chưa thành công.
Phá thai xong kiêng gì để đảm bảo sức khỏe?
“Phá thai xong kiêng những gì” là thắc mắc của nhiều chị em trong giai đoạn chăm sóc và theo dõi sau phá thai. Bác sĩ Khánh Quyên chia sẻ những lưu ý chị em tuyệt đối không nên làm sau khi phá thai, gồm:
1. Kiêng quan hệ tình dục
Kiêng quan hệ tình dục sớm ngay sau khi phá thai là lưu ý quan trọng nhất để hạn chế nhiễm trùng, cũng như ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn.
“Tuyệt đối không quan hệ tình dục đến khi hết ra máu âm đạo, thông thường là khoảng 2 tuần sau phá thai hoặc hơn tùy theo thể trạng người phụ nữ. Nếu quan hệ quá sớm trong thời gian vẫn còn ra máu, chị em dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng, viêm dính buồng tử cung là nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn về sau”.
2. Không làm việc nặng, khuân vác nặng
Sau phá thai cơ thể người phụ nữ còn khá yếu, do đó cần tránh làm những việc nặng, khuân vác nặng hoặc vận động mạnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, suy nghĩ lạc quan, giữ tinh thần vui vẻ để sớm hồi phục.
3. Không thụt rửa sâu trong âm đạo
Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn vệ sinh vùng kín đúng cách. Sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, không thụt rửa sâu trong âm đạo để tránh đưa vi khuẩn gây bệnh vào trong.
4. Không sử dụng tampon
Chảy máu âm đạo là triệu chứng điển hình và hoàn toàn bình thường sau phá thai. Tình trạng chảy máu có thể kéo dài ít nhất 1 tuần hoặc lâu hơn. Do đó, chị em nên sử dụng băng vệ sinh để theo dõi tình trạng chảy máu, không nên dùng tampon để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.
5. Không ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ
Các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh hoặc các chất kích thích như rượu, bia,… không tốt cho sự hồi phục, nhất là chị em sau phá thai còn tăng nguy cơ kích ứng niêm mạc tử cung. Vì thế, chị em nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, chỉ bổ sung những nhóm chất cần thiết và tốt cho sức khỏe.
6. Không mang thai quá sớm sau phá thai
Rất nhiều chị em sau phá thai vẫn chủ quan không sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục. Bác sĩ Khánh Quyên cho biết sau phá là có thể có thai lại mặc dù chưa có kinh lại, do đó nếu có quan hệ tình dục lại nên thực hiện biện pháp ngừa thai. Việc mang thai quá sớm sau phá thai không được khuyến khích bởi lúc này cơ thể và tử cung chưa hồi phục. Tốt nhất, chị em nên đợi khoảng 3 tháng sau phá thai hãy mang thai lại.
Cần làm gì để nhanh hồi phục sức khỏe?
Ngoài việc tìm hiểu phá thai xong cần kiêng gì, chị em cũng cần biết sau phá thai cần làm gì để nhanh hồi phục sức khỏe. Bác sĩ Khánh Quyên cho biết, sau phá thai người phụ nữ bị mất máu nên sức khỏe yếu, do đó cần được nghỉ ngơi nhiều và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Bên cạnh đó, chị em cần lưu ý những điều sau:
- Giữ vùng kín sạch sẽ và khô thoáng.
- Thay băng vệ sinh và quần lót thường xuyên để không gây viêm nhiễm vùng kín.
- Bổ sung đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt nạc, sữa, trứng và các loại rau củ quả xanh.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Tái khám đúng hẹn để được kiểm tra sự phá thai thành công, cũng như được tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, đảm bảo khả năng mang thai và sinh con trong tương lai.
Dù phá thai bằng phương pháp nào cũng sẽ gây những tổn thương nhất định đến tâm lý và sức khỏe của người phụ nữ. Vì thế, khuyến cáo chị em lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, tay nghề vững vàng để được phá thai an toàn, hạn chế các biến chứng nguy hiểm sau phá thai.