“Tử cung nhi hóa có con được không, có còn cơ hội làm mẹ không” là lo lắng của nhiều chị em phụ nữ khi nghe chẩn đoán mắc phải căn bệnh này.
Cần biết gì về tử cung nhi hóa?
Trước khi đến với phần giải đáp tử cung nhi hóa có con được không, chị em cần hiểu rõ về căn bệnh này.
Tử cung nhi hóa (hay còn gọi là tử cung nhi tính) là một bất thường ở cơ quan sinh dục. Tử cung là cơ quan quan trọng, quyết định khả năng sinh sản của người phụ nữ. Đây chính là nơi trứng đã thụ tinh di chuyển đến làm tổ, phát triển thành thai nhi và là nơi nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ.
Để thực hiện được chức năng này, tử cung của người phụ nữ trưởng thành phải đạt đường kính trước sau (DAP) từ 35-45mm. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà phụ nữ đến độ tuổi sinh nở nhưng tử cung vẫn không phát triển, kích thước vẫn như tử cung của một bé gái được gọi là tử cung nhi hóa.
Bác sĩ Nguyên cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử cung nhi hóa thường gặp nhất là do sự suy giảm nội tiết tố thấp hơn nhu cầu cần thiết của cơ thể hoặc phụ nữ bị suy buồng trứng sớm hay đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.
Tử cung phát triển là nhờ vào hormone estrogen và progesterone, đồng thời phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt và tình trạng thai nghén. Khi cơ thể phụ nữ thiếu hụt hoặc vắng mặt estrogen và progesterone, tử cung sẽ không thể phát triển được, dẫn đến tử cung của người phụ nữ trưởng thành có kích thước nhỏ tương đương như của một bé gái.
Một số bé gái khi sinh ra đã có khiếm khuyết tử cung, thường do tác động của các yếu tố bất lợi lên cơ thể người mẹ trong giai đoạn đầu thai kỳ. Giới tính của thai nhi được hình thành rất sớm từ những tuần đầu tiên sau khi thụ thai. Lúc này, nếu người phụ nữ chưa nhận biết việc mang thai, vẫn duy trì các thói quen sống thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng thuốc hoặc mắc các bệnh lý truyền nhiễm có thể gây ra những tác động tiêu cực đến quá trình hình thành giới tính của thai nhi.
Tử cung nhi hóa có con được không?
CÓ THỂ CÓ. Nhưng khả năng mang thai ở phụ nữ có tử cung nhi hóa là rất thấp, thậm chí nhiều trường hợp bị vô sinh. Như đã chia sẻ, tử cung là nơi để trứng đã thụ tinh làm tổ, phát triển thành thai nhi và là nơi nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Vì thế, khi có chẩn đoán tử cung nhi hóa nghĩa là các chức năng của tử cung không hoàn thiện.
Tuy nhiên, khả năng rất thấp không đồng nghĩa với không còn hy vọng. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, chị em bị tử cung nhi hóa vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh bình thường.
Tỷ lệ thành công trong điều trị để phụ nữ bị tử cung nhi hóa có thể mang thai và làm mẹ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như thời điểm phát hiện bệnh lý. Có 3 mức độ bệnh lý như sau:
- Mức độ 1: phụ nữ có tử cung nhỏ nhưng vẫn có hình dạng và cấu trúc bình thường. Thường những chị em này có kinh nguyệt không đều nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, chỉ đến khi khám phụ khoa chuyên sâu mới phát hiện vấn đề. Mức độ này có tiên lượng tốt nhất nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
- Mức độ 2: phụ nữ có tử cung rất nhỏ và có hình dạng bất thường, nguy cơ gặp các vấn đề sinh sản hoặc biến chứng khi mang thai như sảy thai, sinh non… cao hơn. Thông thường với những bất thường nhẹ có thể tự điều chỉnh sau lần mang thai đầu do kích thước tử cung sau khi sinh thường tăng nhẹ hoặc có can thiệp điều chỉnh tử cung.
- Mức độ 3: phụ nữ có tử cung cực kỳ nhỏ hoặc vốn không có tử cung bẩm sinh. Trường hợp này hầu như không thể mang thai tự nhiên, phải nhờ đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc mang thai hộ. Thường những trường hợp này đi kèm các dị tật khác ở đường sinh sản như không có cổ tử cung hoặc âm đạo.
Vì sao phụ nữ bị tử cung nhi hóa khó mang thai?
Khả năng mang thai của người phụ nữ phụ thuộc vào kích thước của tử cung và mức độ trưởng thành của các mô tử cung. Tử cung của người phụ nữ trưởng thành phải có đường kính trước sau (DAP) trong khoảng 35-45mm. Trong khi tử cung của người phụ nữ bị tử cung nhi hóa chỉ tương tự như của một bé gái, rất nhỏ hoặc cực kỳ nhỏ so với kích thước tiêu chuẩn trên nên không thể đảm nhận chức năng là nơi làm tổ và nuôi dưỡng thai nhi.
Như vậy, với thắc mắc phụ nữ bị tử cung nhi hóa có mang thai được không, câu trả lời là có mặc dù khả năng rất thấp. Ngay cả khi mang thai một cách tự nhiên có hoặc không có điều trị bằng liệu pháp hormone, việc mang thai ở phụ nữ bị tử cung nhi hóa vẫn được xem là thai kỳ nguy cơ cao do khoang tử cung có rất ít không gian để thai nhi có thể phát triển. Thai kỳ nguy cơ cao đồng nghĩa tăng nguy cơ gặp các biến chứng sản khoa trong suốt thai kỳ và quá trình sinh nở.
Tử cung là nơi nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ, do đó tử cung nhi hóa kích thước nhỏ hẹp có thể ảnh hưởng đến môi trường sống của thai nhi
Những biến chứng mẹ bầu bị tử cung nhi hóa có thể gặp phải
Các biến chứng có thể xảy ra trong suốt quá trình mang thai và sinh nở ở phụ nữ bị tử cung nhi hóa gồm:
1. Sảy thai
Khi thai nhi làm tổ ở tử cung không hoàn thiện thì khả năng giữ được thai nhi là rất thấp. Buồng tử cung nhỏ hẹp không đáp ứng được sự phát triển lớn lên của thai nhi nên sẽ sinh ra cơ chế đào thải thai nhi. Đây chính là nguyên nhân khiến phụ nữ bị tử cung nhi hóa bị sảy thai liên tiếp nhiều lần.
2. Sinh non
Tử cung nhi hóa không thể phát triển như tử cung bình thường, không thể lớn lên theo sự phát triển của thai nhi nên có thể dẫn đến tình trạng sinh non.
3. Mổ lấy thai
Kích thước tử cung nhỏ hẹp có thể gây khó khăn cho thai nhi đi ra ngoài, gây nên tình trạng khó sinh. Do đó thường được chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Do đó, phụ nữ mang thai cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn thăm khám của bác sĩ trong suốt thai kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở an toàn.
Các phương pháp điều trị tử cung nhi hóa hiện nay
Bác sĩ Nguyên cho biết, với những trường hợp tử cung nhi hóa do rối loạn hormone sinh dục làm tử cung không phát triển sẽ được điều trị nội tiết tố thay thế trong khoảng 3-6 tháng. Trong thời gian điều trị, chị em sẽ được theo dõi sự phát triển của tử cung, chu kỳ kinh nguyệt cũng như chức năng của các cơ quan khác trước khi thụ thai.
Đối với những trường hợp phụ nữ đã cắt bỏ buồng trứng hoặc suy buồng trứng sớm muốn mang thai phải sử dụng thuốc nội tiết lâu dài và nhờ đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại.
Còn trường hợp vốn không có tử cung bẩm sinh có thể cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật tạo hình tử cung. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp không có tử cung bẩm sinh sẽ không thể mang thai tự nhiên mà sẽ cần đến phương pháp mang thai hộ.
Phụ nữ bị tử cung nhi hóa nếu muốn mang thai cần làm gì?
Hầu hết chị em phụ nữ phát hiện tình trạng nhi hóa tử cung sau nhiều năm kết hôn không có tin vui, đi khám sức khỏe sinh sản và được bác sĩ thông báo điều này. Trường hợp khác được phát hiện muộn hơn khi người phụ nữ mang thai bị thai lưu hoặc sảy thai liên tiếp. Việc phát hiện muộn sẽ kéo theo can thiệp điều trị chậm trễ, đe dọa chức năng sinh sản và cơ hội làm mẹ của người phụ nữ.
Vì thế, ngay từ khi bước vào độ tuổi dậy thì nếu chị em thấy không có kinh nguyệt (vô kinh), kinh nguyệt ít, kinh thưa hoặc kết hôn trên 1 năm mà không có thai nên đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Sản Phụ uy tín để kiểm tra xem có bất thường cơ quan sinh sản hay không. Thông thường phụ nữ có tử cung nhưng tử cung không phát triển vẫn sẽ có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì. Chỉ có những trường hợp vốn không có tử cung bẩm sinh mới bị vô kinh nguyên phát.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm kiểm tra cần thiết để có chẩn đoán cụ thể, bác sĩ sẽ hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp để giúp chị em có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh. Thường là sử dụng liệu pháp hormone để theo dõi sự phát triển tử cung cho việc mang thai tự nhiên hoặc chuẩn bị cho việc áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Chị em cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, chị em cần thay đổi lối sống lành mạnh hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ thai tự nhiên hoặc thụ tinh, chẳng hạn như:
- Không hút thuốc lá;
- Không uống các loại thức uống có cồn như rượu, bia;
- Hạn chế uống caffein;
- Không tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ;
- Nghỉ ngơi đầy đủ;
- Tránh căng thẳng, stress.
Đồng thời, tập luyện yoga cũng là cách giúp cải thiện tình trạng tử cung nhỏ. Nghiên cứu cho thấy yoga có thể giúp tăng cường các cơ xung quanh tử cung. Chị em nên kiên trì thực hiện để nhận thấy hiệu quả.
Lưu ý để mẹ có thai kỳ khỏe mạnh
Phụ nữ có chẩn đoán tử cung nhi hóa cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phù hợp, đảm bảo sức khỏe trước khi mang thai. Trong thai kỳ, cần tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai và các xét nghiệm tầm soát quan trọng được bác sĩ chỉ định để theo dõi thai kỳ chặt chẽ, phát hiện và can thiệp điều chỉnh những bất thường, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông.