1.Sinh non có thể lặp lại ở lần mang thai tiếp theo hay không?
Nghiên cứu cho thấy, nếu sản phụ từng sinh non (sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ) sẽ có nguy cơ sinh non ở lần mang thai kế tiếp. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu sản phụ có tiền sử sinh non nhiều hơn một lần.
Đối với trường hợp lần mang thai trước đó sản phụ sinh non tự nhiên, nguy cơ sinh non ở lần mang thai kế tiếp là:
- Khoảng 15% với sản phụ có tiền sử 1 lần sinh non.
- Khoảng 40% với sản phụ có tiền sử 2 lần sinh non.
- Gần 70% với sản phụ có tiền sử 3 lần sinh non.
Đối với trường hợp sinh non có can thiệp y tế để chấm dứt thai kỳ, nguy cơ sinh non ở lần mang thai kế tiếp cũng cao hơn. Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy, tỷ lệ sinh non ở những sản phụ có tiền sử sinh non do chỉ định chấm dứt dứt thai kỳ cao hơn 2,5 lần so với sản phụ chưa bao giờ sinh non, và cao hơn 3,6 lần so với sản phụ sinh non tự nhiên.
Ngoài ra, sản phụ mang song thai hoặc đa thai có tiền sử sinh non thì nguy cơ sinh non ở lần mang thai kế tiếp cũng cao hơn gấp nhiều lần so với sản phụ mang song thai hoặc đa thai nhưng không sinh non.
Nguy cơ sinh non cũng gia tăng lên theo số lần nạo phá thai, hút thai. Tình trạng sảy thai tự nhiên tái phát nhiều lần hoặc sảy thai tự nhiên ở 3 tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai) cũng là các yếu tố làm tăng tỷ lệ sinh non.
Mặc dù vẫn tồn tại nguy cơ sinh non ở lần mang thai kế tiếp nhưng sản phụ không nên quá lo ngại.
Theo Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (The Journal of American Medical Association), chỉ có một tỷ lệ nhỏ sản phụ từng sinh non sẽ sinh non lần thứ hai. Hiện nay, với sự phát triển của hệ thống máy móc hiện đại và phác đồ theo dõi thai kỳ chặt chẽ đã có thể giúp giảm nguy cơ này.
Điều quan trọng là sản phụ cần chăm sóc sức khỏe thật tốt trước và trong thai kỳ, cả hai vợ chồng cần thăm khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản, lên kế hoạch chuẩn bị thật kỹ cho lần mang thai kế tiếp. Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, sản phụ cần tuân thủ đúng lịch thăm khám và theo dõi thai kỳ, nhằm phát hiện sớm các nguy cơ và dấu hiệu dọa sinh non để có biện pháp điều trị dự phòng và can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.
2. Sau sinh non bao lâu nên có thai trở lại?
Tâm lý chung của hầu hết phụ nữ bị sinh non là luôn mong muốn mang thai trở lại trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe của mẹ cho lần mang thai kế tiếp, các cặp đôi cần nắm rõ sinh non sau bao lâu thì có thai lại là an toàn.
Theo các chuyên gia Sản Phụ khoa, các cặp đôi cần chờ ít nhất 12-18 tháng trước khi mang thai trở lại. Khoảng thời gian lý tưởng nhất là sau 18 tháng, tức là sau khi bé sinh non được 1 tuổi rưỡi. Lý giải cho điều này, biến chứng sinh non có thể khiến sức khỏe người phụ nữ giảm sút, đặc biệt là sức khỏe sinh sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cần một khoảng thời gian chờ nhất định để hồi phục hoàn toàn.
Bên cạnh đó, người phụ nữ cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực, có kế hoạch bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể khỏe mạnh cho lần mang thai kế tiếp. Việc này sẽ giúp cho cả sản phụ lẫn thai nhi được khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ sinh non.
Đồng thời các trường hợp sinh non tái phát cần phải được thăm khám đánh giá sức khỏe tổng quát cũng như sức khỏe sinh sản nhằm tìm nguyên nhân sinh non ở những lần mang thai trước để có kế hoạch điều trị dự phòng cho lần mang thai sắp tới.
Đặc biệt, việc mang thai trở lại quá sớm khi cơ thể phụ nữ chưa hồi phục hoàn toàn có thể gây nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như nhau tiền đạo, trẻ sinh non, nhẹ cân, chậm phát triển trí não…
Sau sinh non, các cặp đôi cần kiêng giao hợp ít nhất 6 – 8 tuần, hết thời gian hậu sản để những tổn thương ở cơ quan sinh dục nữ được mau chóng hồi phục, phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý viêm nhiễm và bệnh phụ khoa.
3. Mẹ bầu cần chuẩn bị gì để ngăn ngừa sinh non ở lần mang thai kế tiếp?
Có nhiều yếu tố khiến sản phụ có nguy cơ sinh non cao hơn như tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Để ngăn ngừa tình trạng sinh non lặp lại, chị em cần có kế hoạch chuẩn bị mang thai và chăm sóc thai kỳ thật tốt. Cụ thể là:
- Chờ mang thai: Nếu từng có tiền sử sinh non, các chuyên gia Sản Phụ khoa khuyến cáo chị em nên đợi ít nhất 12-18 tháng mới cố gắng mang thai trở lại, lý tưởng nhất là sau 18 tháng. Bởi nguy cơ sinh non sẽ tăng lên khi khoảng cách giữa các lần mang thai gần nhau và thấp hơn khi khoảng cách giữa các lần mang thai cách xa nhau.
- Đặt lịch khám thai: Hãy đặt lịch khám ngay khi biết mình có thai, cũng như tuân thủ đầy đủ lịch hẹn theo dõi thai kỳ được bác sĩ chỉ định.
- Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu càng sớm càng tốt nếu sản phụ mắc phải tình trạng này trong thai kỳ. Lý do là nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không được điều trị hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn chuyển dạ sớm gây sinh non.
- Ngừng hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá thường xuyên là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ sinh non. Vì vậy, chị em cần ngừng hút lá khi mang thai, thậm chí bỏ thuốc lá trước khi thụ thai để giảm nguy cơ sinh non.
- Giữ cân nặng hợp lý: Thiếu cân hoặc thừa cân đều làm tăng nguy cơ gặp biến chứng, dẫn đến sinh non so với thời gian sinh dự kiến. Chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong thai kỳ mà không gây tăng cân.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng: Trò chuyện với chồng, gia đình hoặc bạn bè để có tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực. Tránh căng thẳng, stress kéo dài làm ảnh hưởng đến thai kỳ.
- Tập luyện thể dục vừa phải: Cần lưu ý, nằm yên một chỗ không phải là biện pháp phòng ngừa sinh non. Chị em nên vận động vừa sức, tập luyện các bài tập phù hợp với sức khỏe để máu lưu thông.
- Kiêng quan hệ tình dục: Sản phụ có tiền sử sinh non cần kiêng quan hệ tình dục trong suốt thai kỳ.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý khác: Bệnh tim mạch, huyết áp, thận, đái tháo đường… đều làm tăng nguy cơ sinh non. Thông báo với bác sĩ sản khoa khi có bệnh lý để được chăm sóc, phối hợp kiểm soát và quản lý tốt các yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non.
Trong một số trường hợp, chị em sẽ được tư vấn áp dụng phương pháp điều trị để ngăn ngừa sinh non ở lần mang thai tiếp nếu:
- Sinh non sớm hơn tuần thứ 34 của thai kỳ ở lần mang thai trước.
- Vỡ nước ối ở lần mang trước hoặc hiện tại trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
- Cổ tử cung ngắn.
- Cổ tử cung bị tổn thương do phẫu thuật.