Hầu hết các bà bầu đều bị buồn nôn, nôn ói khi mang thai, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ. Không ít trường hợp bị nôn ra nước chua khi mang thai, khiến cơ thể mệt mỏi, ốm yếu. Vậy tình trạng này có bất thường không, nên làm thế nào để khắc phục?
1. Buồn nôn, nôn ra nước chua khi mang thai có sao không?
Thông thường, các bà bầu chỉ bị buồn nôn ở những tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ mang thai, vẫn có nhiều thời điểm mẹ bầu bị buồn nôn, nôn ói. Lý giải nguyên nhân theo từng giai đoạn như sau:
1.1 Buồn nôn, nôn ra nước khi mang thai trong 3 tháng đầu
Theo thống kê, tình trạng này xảy ra ở khoảng 80% thai phụ. Bước sang tuần thứ 16 – 18 của thai kỳ, triệu chứng sẽ giảm đi. Các bác sĩ cũng đánh giá nôn ra nước chua khi mang thai là triệu chứng bình thường nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. Nhiều chuyên gia cho rằng mẹ bầu bị buồn nôn, nôn ói trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ có khả năng sảy thai, thai chết lưu thấp hơn so với người không có triệu chứng này.
Trường hợp mẹ bầu bị nôn suốt ngày, sút cân thì tức là đang bị ốm nghén nặng. Lúc này, mẹ bầu sẽ bị mất nhiều nước, thiếu vitamin và khoáng chất. khi đó, bà bầu nên đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn về phương pháp cải thiện tình trạng trên.
Trường hợp mẹ bầu thường bị nôn ra nước chua kèm đau đầu, sốt, mất vị giác hoặc hay bị nghẹn, sặc thì có thể là do các vấn đề về tiêu hóa. Khi có những biểu hiện này, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra, điều trị kịp thời.
1.2 Buồn nôn, nôn ói khi mang thai 3 tháng giữa thai kỳ
Thông thường, 3 tháng giữa là thời điểm dễ chịu nhất của các bà bầu. Những triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn khi mang thai cũng giảm dần và hết hẳn. Tuy nhiên, một số mẹ bầu vẫn bị ốm nghén trong suốt 3 tháng giữa thai kỳ. Nếu may mắn, có thể cuối tam cá nguyệt thứ 2 mẹ bầu sẽ thoát khỏi những triệu chứng khó chịu này.
1.3 Buồn nôn và nôn ói khi mang thai 3 tháng cuối thai kỳ
Nhiều mẹ bầu đến những tháng cuối thai kỳ vẫn bị buồn nôn, ói mửa. Nguyên nhân chủ yếu là do thai nhi đã lớn, chèn ép lên dạ dày của mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng chóng mặt, buồn nôn ở thai phụ cũng có thể xảy ra do thiếu máu, tụt huyết áp,…
Ngoài ra, buồn nôn trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể là 1 dấu hiệu sắp sinh. Ngoài biểu hiện thông thường như mệt mỏi, bụng sa,… thì những cơn buồn nôn, nôn khan hay bụng cồn cào cũng là dấu hiệu cho thấy mẹ sắp lâm bồn. Do vậy, khi có cảm giác buồn nôn, nôn ra nước chua ở tháng thứ 9 thai kỳ, mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho hành trình vượt cạn sắp tới.
2. Cách khắc phục tình trạng buồn nôn, nôn ra nước chua khi mang thai
Có rất nhiều biện pháp giúp khắc phục tình trạng buồn nôn, nôn ói cho bà mẹ mang thai. Cụ thể là:
2.1 Thay đổi thói quen sinh hoạt
Mẹ bầu nên loại bỏ những món ăn hay các loại mùi làm mình cảm thấy khó chịu, buồn nôn. Đồng thời, bạn nên áp dụng những biện pháp sau:
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói mới ăn;
- Ưu tiên những thực phẩm mà mình yêu thích nhưng phải đảm bảo an toàn, lành mạnh;
- Uống nhiều nước;
- Tránh những thực phẩm chứa nhiều chất béo và carbohydrate vì chúng dễ gây tức bụng, buồn nôn cho bà bầu;
- Bổ sung viên sắt, acid folic, vitamin và khoáng chất trong suốt thai kỳ, đặc biệt là trong thời điểm ốm nghén vì lúc này mẹ bầu ăn uống kém, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể mẹ và bé.
2.2 Thiết kế thực đơn dinh dưỡng phù hợp
Cần lưu ý những điều sau khi xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho bà bầu:
- Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi vào chế độ ăn. Những thực phẩm này vừa không có mùi gây buồn nôn lại là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho mẹ và bé;
- Ăn cá, trứng, thịt nạc và các loại đậu để bổ sung thêm protein cho cơ thể;
- Ăn sữa chua, váng sữa để hỗ trợ tiêu hóa, đẩy lùi các cơn ợ hơi, buồn nôn, nôn ra nước chua khi mang thai;
- Hạn chế tối đa những thực phẩm có chứa chất kích thích, đồ cay nóng, chiên xào, thức ăn đóng hộp;
- Không ăn thực phẩm muối chua. Nếu quá thèm đồ chua, mẹ bầu chỉ nên ăn một ít;
- Nên luộc, hấp thức ăn hay vì chiên nướng nhiều dầu mỡ.
2.3 Bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể
Một số bà bầu bị ốm nghén thường gặp biến chứng là bệnh não Wernicke, có thể để lại hậu quả rất nặng nề. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể điều trị bằng cách thay thế thiamine dưới dạng thuốc uống hoặc truyền tĩnh mạch. Biện pháp này chỉ được bác sĩ cân nhắc ở những mẹ bầu bị nôn ói liên tục.
2.4 Khắc phục cơn buồn nôn bằng gừng tươi
Gừng là loại dược liệu có tính ấm, kháng viêm, giải độc. Theo dân gian, gừng có tác dụng giúp mẹ bầu giảm cảm giác khó chịu, buồn nôn, bụng cồn cào khi mang thai trong 3 tháng đầu. Một ly trà gừng vào buổi sáng hoặc một mẩu bánh quy gừng có tác dụng làm giảm đáng kể cơn buồn nôn, nôn ra nước chua ở bà bầu.
2.5 Bổ sung nước, điện giải và năng lượng
Nếu mẹ bầu bị nôn ói quá nhiều thì các chất điện giải trong cơ thể có thể bị mất đi, làm hạ natri và kali máu. Dịch truyền sẽ giúp bổ sung các chất này cho cơ thể.
Những loại dịch truyền nước, điện giải và năng lượng có đặc tính sinh lý, sinh hóa tương tự môi trường tuần hoàn trong cơ thể. Vì vậy, bà bầu bị ốm nghén nặng có thể được truyền dịch bổ sung dưỡng chất theo chỉ định của bác sĩ (về lượng dịch truyền, tốc độ truyền,…).
2.6 Tập luyện, nghỉ ngơi
Để giảm nhẹ tình trạng buồn nôn, ói mửa khi mang thai, các bà bầu có thể thực hiện những bài tập như yoga, thiền, xoa bóp, bấm huyệt, giãn cơ,… Ngoài ra, việc nghỉ ngơi, tránh căng thẳng lo âu khi mang thai cũng giúp thư giãn tinh thần cho mẹ bầu, giảm nhẹ triệu chứng ốm nghén.
2.7 Dùng thuốc chống nôn khi cần thiết
Khi bị nôn ói liên tục, không thể ăn gì khác, mẹ bầu có thể dùng thuốc chống nôn. Tuy nhiên, bà bầu không được tự ý mua thuốc và tự ý dùng mà cần có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, thai phụ cần sử dụng đúng liều lượng để đảm bảo hiệu quả trị liệu và không gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới thai nhi.
Buồn nôn, nôn ra nước chua khi mang thai là triệu chứng mà nhiều mẹ bầu gặp phải. Nếu có bất kỳ lo lắng nào hoặc xuất hiện thêm những dấu hiệu bất thường khác, thai phụ nên đi thăm khám ngay để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn.