Các lầm tưởng về HPV khiến nhiều người hiểu sai về cách thức lây truyền và tác hại của virus này. Một số quan niệm như chỉ phụ nữ mới mắc HPV hay nhiễm HPV chắc chắn dẫn đến ung thư đều không đúng. Thực tế, HPV ảnh hưởng đến cả nam nữ và tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết này nhé.
1. Các lầm tưởng về HPV thường gặp nhất
1.1 Chỉ có thể mắc HPV qua quan hệ tình dục
HPV là một loại virus phổ biến tồn tại trên da và có thể lây lan giữa các cá nhân qua tiếp xúc trực tiếp với da. Mặc dù phần lớn trường hợp lây bằng đường quan hệ tình dục nhưng mọi người vẫn có khả năng nhiễm virus qua tiếp xúc da kề da, quan hệ tình dục không thâm nhập hoặc bằng miệng.

1.2 Chỉ phụ nữ mới có thể mắc HPV
Dù là nam hay nữ đều có nguy cơ bị nhiễm HPV. Khoảng 80% dân số sẽ bị nhiễm HPV trong suốt cuộc đời. Virus này có khả năng gây ung thư cho cả hai giới.
Trong đó, các loại ung thư có liên quan đến HPV bao gồm:
- Ung thư vùng sinh dục như ung thư cổ tử cung và âm đạo ở phụ nữ.
- Ung thư dương vật ở nam giới.
- Ung thư vòm họng, miệng, amidan và hậu môn ở tất cả các giới tính.

1.3 Người bị HPV sẽ biểu hiện triệu chứng
Phần lớn người nhiễm HPV không nhận ra mình bị nhiễm vì thường không có triệu chứng rõ ràng và không gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Điều này là do hệ miễn dịch của cơ thể thường tự loại bỏ virus trong vòng vài năm.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng, người nhiễm vẫn có thể lây truyền virus cho bạn tình thông qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc da. Vì vậy, việc sử dụng bao cao su và tiêm vắc xin HPV là cách hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm.
1.4 Bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm HPV đều có thể xuất hiện trong vòng vài tuần
Một trong các lầm tưởng về HPV là các triệu chứng sẽ xuất hiện chỉ trong vài tuần sau khi nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế, các triệu chứng của HPV, nếu có, thường xuất hiện sau nhiều năm kể từ khi người bệnh nhiễm virus qua quan hệ tình dục.
Thời gian ủ bệnh kéo dài khiến việc phát hiện nhiễm HPV trở nên khó khăn và người bệnh thường không biết mình đã nhiễm virus. Vì vậy, tiêm vắc xin HPV và duy trì quan hệ tình dục an toàn là rất quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm.
1.5 Không cần tiêm vắc-xin HPV nếu xét nghiệm Pap thường xuyên
Được thực hiện cùng với khám vùng chậu, xét nghiệm Pap (Pap smear) là một phương pháp sàng lọc giúp phát hiện các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vắc-xin HPV sẽ giúp ngăn ngừa sự thay đổi của các tế bào này ngay từ ban đầu.
Nếu kết quả xét nghiệm Pap cho thấy bất thường, phụ nữ cần thực hiện thêm xét nghiệm HPV để đánh giá các tế bào bất thường kỹ lưỡng hơn và thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung.
1.6 Nhiễm trùng HPV có thể chữa khỏi.
HPV là loại virus hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các bệnh lý do HPV gây ra có thể được điều trị bằng nhiều cách:
- Mụn cóc sinh dục: Điều trị bằng thuốc theo đơn hoặc các phương pháp khác như áp lạnh, đốt laser hoặc phẫu thuật nhỏ.
- Tổn thương tiền ung thư: Những tổn thương này có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật, đốt điện hoặc liệu pháp áp lạnh để ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.
- Ung thư xâm lấn: Nếu HPV gây ra ung thư (ví dụ: ung thư cổ tử cung), người bệnh sẽ được điều trị bằng hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ bệnh.
Dù không thể chữa khỏi HPV, các tình trạng mà virus gây ra vẫn có thể kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.
1.7 Nếu được chẩn đoán mắc HPV là sẽ bị ung thư
Không phải mọi người nhiễm HPV đều sẽ bị ung thư. Mặc dù một số bệnh ung thư có liên quan đến nhiễm HPV nhưng đa phần cơ thể sẽ tự chữa lành. Tuy nhiên, HPV lại làm tăng khả năng mắc ung thư nên mọi người cần tiêm vắc-xin để bảo vệ bản thân.
Vắc-xin giúp tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch và cải thiện phản ứng tự nhiên của cơ thể với HPV. Dù hệ miễn dịch sẽ chống lại nhiễm trùng nhưng người bệnh không nên đánh cược với nguy cơ mắc ung thư.
1.8 Vắc-xin HPV có tác dụng phụ nguy hiểm.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), vắc-xin HPV (Gardasil 9) đã được chứng minh là an toàn, hiệu quả qua nhiều thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu.
Tuy nhiên, giống như các loại vắc-xin khác, Gardasil 9 có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ, bao gồm:
- Đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm.
- Sốt, đau đầu, đau cơ, đau khớp hoặc mệt mỏi.
Ngoài ra, một số người có thể cảm thấy chóng mặt hoặc thậm chí ngất xỉu sau khi tiêm. Đây là phản ứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra, đặc biệt ở thanh thiếu niên.
1.9 Vắc-xin HPV gây vô sinh.
CDC khẳng định vắc-xin HPV không gây hại cho khả năng sinh sản. Trên thực tế, vắc-xin này giúp ngăn ngừa một số vấn đề về sinh sản nhờ cơ chế bảo vệ, chống lại các tình trạng tiền ung thư hoặc ung thư.
2. Kết luận
Nhìn chung, các lầm tưởng về HPV vẫn phổ biến và gây ra sự hiểu lầm nghiêm trọng về cách lây lan, các triệu chứng cũng như biện pháp phòng ngừa. Việc hiểu đúng về HPV không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn như ung thư. Do đó, người bệnh nên cập nhật các kiến thức thường xuyên để bảo vệ tốt sức khỏe của bản thân và gia đình.