Nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng trẻ uống thuốc hạ sốt có tiêm phòng được không? Trẻ bị sốt tiêm vắc xin có an toàn và đảm bảo tính hiệu lực của vắc xin không? Cần lưu ý điều gì khi tiêm?
Thuốc hạ sốt và cơ chế hoạt động
Thuốc hạ sốt là các chế phẩm có chứa thành phần dược chất hoặc dược liệu có khả năng giúp hạ nhiệt cơ thể, một số thuốc hạ sốt còn có tác dụng giảm đau, chống viêm, kháng viêm. Dưới đây là các cơ chế chính của thuốc hạ sốt.
Cơ chế hoạt động của thuốc hạ sốt
1. Cơ chế ức chế Enzyme Cyclooxygenase (COX)
Hầu hết các loại thuốc hạ sốt, chẳng hạn như Paracetamol và Ibuprofen, hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase (COX) – một loại enzyme có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các chất trung gian gây viêm có tên là Prostaglandin E2 (PGE2). PGE2 là một trong những chất chính gây ra tình trạng sốt bằng cách tác động lên vùng dưới đồi của não bộ – khu vực kiểm soát nhiệt độ cơ thể.
Thuốc hạ sốt sẽ dựa vào cơ chế gây sốt này để ức chế enzyme COX, khiến quá trình sản xuất chất trung gian gây viêm PGE2 bị gián đoạn, nồng độ PGE2 tại vùng dưới đối giảm xuống, từ đó giúp giảm nhiệt độ cơ thể, điều chỉnh thân nhiệt về mức bình thường.
2. Giảm chất trung gian gây viêm
Ngoài việc ức chế enzyme COX, một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy, thuốc hạ sốt cũng có thể hoạt động bằng cách giảm các chất gây viêm khác ngoài PGE2 như cytokine. Những chất này thường xuất hiện tại vị trí tổn thương hoặc viêm nhiễm trong cơ thể, khi thuốc hạ sốt hoạt động, quá trình sản sinh những chất trung gian gây viêm này bị ức chế, giảm nồng độ các chất gây viêm trong cơ thể, từ đó giảm nhanh chóng các phản ứng viêm tại các vị trí tổn thương và viêm nhiễm trong cơ thể, cuối cùng là hạ sốt.
3. Chống viêm
Một số thuốc hạ sốt có thể tăng cường các tín hiệu chống viêm tại những vị trí tổn thương hoặc trong não, góp phần kích thích quá trình chống viêm, giảm viêm và hạ sốt.
4. Tăng cường thông điệp hạ sốt trong não
Ngoài ra, một số thuốc còn được cho là có khả năng tăng cường các thông điệp dẫn đến phản ứng hạ sốt tự nhiên của cơ thể, cụ thể là thần kinh trung ương, giúp cơ thể điều chỉnh nhiệt độ hiệu quả hơn. Điều này có thể đạt được thông qua việc tác động trực tiếp lên các trung tâm điều hòa nhiệt độ trong não bộ.
Các loại thuốc hạ sốt thông dụng
Hiện nay, có 10 loại thuốc hạ sốt thông dụng có thể được sử dụng cho trẻ em, bao gồm:
1. Thuốc hạ sốt Paracetamol (hay còn gọi là Acetaminophen)
Tại Việt Nam, Paracetamol là loại thuốc giảm đau và hạ sốt phổ biến, quen thuộc dành cho cả trẻ em và người lớn. Khi trẻ bị sốt, liều lượng Paracetamol khuyến cáo là 10 – 15 mg/kg cân nặng của trẻ. Khoảng cách giữa các liều nên duy trì từ 4 – 6 giờ và tối thiểu 8 giờ nếu trẻ bị suy thận. Paracetamol được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén, siro, thuốc nhỏ giọt… Không chỉ có tác dụng hạ sốt nhanh mà Paracetamol còn là loại thuốc an toàn, ít tác dụng phụ, thường dùng khi trẻ sốt từ 38°C trở lên để làm giảm thân nhiệt, cải thiện cảm giác khó chịu cho trẻ.
2. Thuốc hạ sốt Ibuprofen
Ibuprofen là một thuốc hạ sốt phổ biến ở các nước phương Tây, có tác dụng mạnh hơn cũng như kéo dài hơn so với Paracetamol. Tuy nhiên, thuốc không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ bị sốt do sốt xuất huyết, trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ đang mắc các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, viêm loét dạ dày hay suy thận. Tại Việt Nam, Ibuprofen ít được chỉ định cho trẻ em vì nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ và cần xác định chính xác nguyên nhân sốt trước khi sử dụng.
3. Thuốc hạ sốt Efferalgan
Efferalgan cũng là một loại thuốc hạ sốt có thành phần chính là Paracetamol và các tá dược khác, có các dạng bào chế như viên sủi, viên nén sủi bọt hoặc viên đặt hậu môn. Thuốc được sử dụng để hạ sốt, giảm đau đầu, đau cơ, đau răng và các triệu chứng cảm cúm khác. Thuốc chống chỉ định đối với những người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc mắc bệnh gan, viêm trực tràng.
4. Thuốc hạ sốt Panadol
Tương tự như Efferalgan, Panadol cũng là loại thuốc hạ sốt có chứa Paracetamol, hoạt động bằng cách tạo ra tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi, giúp giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại vi, qua đó giúp người sử dụng hạ thân nhiệt, giảm sốt hiệu quả. Panadol ít gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp, không gây mất cân bằng acid hay kích ứng dạ dày.
5. Thuốc hạ sốt Hapacol 150 Flu
Hapacol 150 Flu là thuốc hạ sốt và giảm đau dưới dạng sủi bọt, cũng có chứa thành phần Paracetamol và các tá dược khác, là lựa chọn ưu tiên khi trẻ bị đau đầu, sốt do cảm cúm, mọc răng, không dành cho trẻ bị thiếu máu hoặc suy gan, suy thận.
6. Thuốc hạ sốt Brufen
Brufen chứa ibuprofen và các tá dược khác, thường được dùng để hạ sốt và giảm đau ở trẻ em. Thuốc chống chỉ định đối với trẻ nhạy cảm với thành phần của thuốc, những trẻ bị mất nước nghiêm trọng, suy gan, suy thận, suy tim và những trẻ có tiền sử loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa.
7. Thuốc hạ sốt Falgankid
Falgankid cũng là thuốc hạ sốt có chứa Paracetamol và thường được sử dụng khi trẻ sốt do cảm cúm, sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi, nhiễm trùng, mọc răng, sốt sau tiêm phòng hoặc sau phẫu thuật. Thuốc chống chỉ định với người mẫn cảm với thành phần của thuốc và những đối tượng đang mắc bệnh tim mạch, phổi, thận, thiếu máu, thiếu hụt Glucose-6-Phosphat hoặc suy gan.
8. Thuốc hạ sốt SOTSTOP
SOTSTOP là thuốc hạ sốt, giảm đau cho trẻ bị đau răng, đau đầu, đau xương khớp, có chứa ibuprofen (2g/100ml). Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, mất vị giác, loét dạ dày, hoặc xuất huyết tiêu hóa và chống chỉ định với những đối tượng mẫn cảm với thành phần của thuốc hay gặp các vấn đề về gan, thận, tim mạch.
9. Thuốc hạ sốt Doliprane
Doliprane cũng có chứa Paracetamol và được sử dụng cho trẻ có cân nặng từ 3 – 26kg để hạ sốt. Thuốc không chứa đường, chất bảo quản và các chất độc hại khác, có hương vị trái cây, dễ uống.
10. Thuốc hạ sốt Nurofen
Nurofen là thuốc hạ sốt có thành phần Ibuprofen, không chứa Steroid, có vị ngọt vừa phải và không gây cảm giác gắt cổ, thường được sử dụng khi trẻ bị sốt, cảm lạnh, cảm cúm, đau răng. Tuy nhiên, có thể gây buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa nếu sử dụng quá liều. Chống chỉ định với người quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, hoặc có vấn đề về gan, thận hoặc thị giác.
Trẻ uống thuốc hạ sốt có tiêm phòng được không?
Trẻ uống thuốc hạ sốt vẫn có thể tiêm phòng. Vắc xin hoạt động dựa trên nguyên lý kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu, chủ động bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Khi vắc xin được tiêm vào cơ thể, các thành phần kháng nguyên của tác nhân gây bệnh (đã bị bất hoạt, khử độc lực… không còn khả năng gây bệnh) có trong vắc xin sẽ kích thích hệ miễn dịch nhận diện các thành phần kháng nguyên này là tác nhân ngoại lai, khiến cho cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu chống lại các thành phần kháng nguyên này. Sau khi quá trình tấn công và loại thải các tác nhân ngoại lai kết thúc, hệ miễn dịch sẽ tiến hành “ghi nhớ” lại toàn bộ phản ứng vừa diễn ra để chủ động tái kích hoạt phản ứng, bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh tương ứng nếu cơ thể chẳng may tiếp xúc.
Trong khi đó, như trên đã đề cập, thuốc hạ sốt hoạt động theo cơ chế ức chế enzyme COX, giảm nồng độ PGE2, giảm các chất trung gian gây viêm, tăng cường tín hiệu chống viêm và thông điệp hạ sốt trong não.
Thuốc hạ sốt và vắc xin hoạt động trên những cơ chế khác nhau, việc trẻ uống thuốc hạ sốt trước khi tiêm phòng không ảnh hưởng đến hiệu quả và tính an toàn của vắc xin. Tuy nhiên, nếu trẻ đến lịch tiêm phòng mà bị sốt, trẻ sẽ được bác sĩ thăm khám sàng lọc trước khi ra chỉ định cho trẻ tiêm vắc xin.
Trẻ bị sốt nhẹ và đang uống thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt và vắc xin hoạt động dựa trên các cơ chế khác nhau, không gây ra các phản ứng đáng kể khi sử dụng đồng thời. Chính vì thế, ở trường hợp trẻ bị sốt nhẹ và đang uống thuốc hạ sốt, chúng ta chỉ bàn đến vấn đề trẻ bị sốt nhẹ có được tiêm phòng không? Trẻ vẫn có thể tiêm vắc xin ngay cả khi đang bị sốt hoặc bệnh nhẹ.
Các nghiên cứu khoa học và khuyến cáo từ các tổ chức y tế hàng đầu thế giới như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch (CDC Hoa Kỳ), Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) và Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (American Academy of Family Physicians) đã chỉ ra rằng sốt nhẹ hoặc các tình trạng bệnh lý diễn biến ở mức độ nhẹ không ảnh hưởng đáng kể đến phản ứng của cơ thể với vắc xin. Vì vậy, trẻ mắc bệnh nhẹ vẫn nên tiêm chủng đúng lịch.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên trì hoãn tiêm chủng cho trẻ, kể cả khi trẻ sốt nhẹ hay mắc bệnh nhẹ. Việc tiếp tục tiêm chủng đúng lịch tiêm khuyến cáo sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, mang lại nhiều lợi ích đáng kể so với việc trì hoãn tiêm chủng vắc xin cho đến khi trẻ hạ sốt như: giúp cung cấp khả năng bảo vệ sớm cho trẻ khỏi các bệnh nguy hiểm, tránh bỏ lỡ cơ hội được bảo vệ quan trọng, nhất là trong giai đoạn phát triển nhạy cảm, đồng thời góp phần vào việc ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng.
Các bệnh nhẹ thường gặp mà trẻ vẫn có thể được tiêm vắc xin bao gồm:
- Sốt nhẹ: Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ do các nguyên nhân như mọc răng, viêm họng nhẹ hoặc tiêm phòng trước đó. Những tình trạng này không làm giảm hiệu quả của vắc xin.
- Cảm lạnh, sổ mũi hoặc ho: Những triệu chứng này thường do các tác nhân ít nguy hiểm gây ra và không ảnh hưởng đến khả năng tạo kháng thể của cơ thể sau khi tiêm vắc xin.
- Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa): Là tình trạng phổ biến ở trẻ em và thường không gây ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch toàn thân, việc tiêm vắc xin lúc này vẫn an toàn.
- Tiêu chảy nhẹ: Tiêu chảy nhẹ do nhiễm khuẩn hoặc virus đường ruột không cản trở việc sản xuất kháng thể sau khi tiêm vắc xin.
Trẻ sốt cao và đang uống thuốc hạ sốt
Mặc dù trẻ vẫn có thể tiêm ngừa vắc xin khi sốt nhẹ và đang uống thuốc hạ sốt, nhưng khi trẻ đang phải đối mặt với tình trạng sốt cao sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định trẻ uống thuốc hạ sốt có tiêm phòng được không. Sốt nặng là dấu hiệu của một tổn thương nghiêm trọng nào đó trong cơ thể và có thể là biểu hiện của một bệnh lý cấp tính. Khi trẻ đang sốt cao, hệ thống miễn dịch của trẻ đang trong tình trạng hoạt động với cường độ cao để chống lại nhiễm trùng. Việc tiêm phòng trong lúc trẻ đang sốt cao có thể không mang lại hiệu quả tối ưu vì hệ miễn dịch đã quá tải.
Bên cạnh đó, một số vắc xin có thể gây ra các phản ứng nhỏ như sốt, đau tại chỗ tiêm hoặc mệt mỏi. Nếu trẻ đã đang trong tình trạng sốt cao, việc tiêm phòng có thể làm tình trạng sốt diễn biến phức tạp hơn hoặc dẫn đến khó khăn trong việc phân biệt phản ứng của vắc xin với triệu chứng của bệnh hiện tại.
Chính vì thế, không nên tiêm phòng khi trẻ đang trong tình trạng sốt cao hoặc viêm nhiễm cấp tính. Điều này nhằm đảm bảo rằng hệ miễn dịch của trẻ không bị quá tải, tránh gây ảnh hưởng đến quá trình theo dõi, phân biệt các triệu chứng của tình trạng bệnh lý cấp/sốt mà trẻ đang mắc phải. Sau khi trẻ đã điều trị khỏi bệnh và hết sốt, thời điểm tiêm phòng lý tưởng sẽ dựa vào kết quả đánh giá về tình trạng sức khỏe của trẻ bởi bác sĩ.
Khi đưa trẻ bị sốt đi tiêm phòng cần lưu ý gì?
Việc tiêm phòng cho trẻ là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, khi trẻ bị sốt, việc tiêm phòng cần được thực hiện cẩn thận để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Dưới đây là những lưu ý chi tiết trước và sau khi tiêm phòng cho trẻ bị sốt.
Trước khi tiêm
- Trước khi quyết định tiêm phòng, bất kể trẻ có đang sốt hay không, phụ huynh cần tích cực tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, khám sàng lọc trước tiêm, đánh giá mức độ sốt của trẻ và nguyên nhân gây sốt để quyết định xem liệu trẻ có đủ điều kiện tối thiểu để tiêm phòng vắc xin hay không.
- Mang theo hồ sơ y tế của trẻ, sổ tiêm hoặc phiếu tiêm chủng. Nếu không có, cần ghi nhớ và thông báo chi tiết cho bác sĩ khám sàng lọc về lịch sử tiêm chủng của trẻ.
- Cung cấp cho bác sĩ thông tin về bất kỳ tình trạng dị ứng hay bệnh lý nào trẻ từng gặp phải, các loại thuốc trẻ đang dùng, đặc biệt là thuốc hạ sốt và kháng sinh, để bác sĩ có thể đánh giá tương tác thuốc.
- Nếu trẻ đủ lớn, hãy giải thích một cách nhẹ nhàng và dễ hiểu về việc tiêm phòng để giúp trẻ không cảm thấy lo lắng.
- Phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý và nắm rõ các quy trình tiêm phòng để hợp tác tốt với nhân viên y tế trong suốt quá trình tiêm chủng
Sau khi tiêm
- Sau khi tiêm, cần ở lại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút hoặc lâu hơn nếu cảm thấy không yên tâm để được các nhân viên y tế tại cơ sở tiêm chủng theo dõi các phản ứng phụ sau tiêm, thực hiện xử trí kịp thời trong các trường hợp xảy ra phản ứng phụ nghiêm trọng.
- Tiếp tục theo dõi trẻ trong ít nhất 48 giờ tiếp theo. Nếu trẻ tiếp tục sốt, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu bởi phản ứng đau sưng đỏ tại vị trí tiêm, có thể thực hiện chườm lạnh bằng khăn mềm sạch và nước đá sạch.
- Đảm bảo cho trẻ uống đủ nước, ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, đầy đủ dưỡng chất và khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều.
- Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng như sốt cao kéo dài không hạ, phát ban toàn thân, phù nề mặt hoặc lưỡi, thở khó hoặc ngất xỉu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Thắc mắc “trẻ uống thuốc hạ sốt có tiêm phòng được không” đã được giải đáp. Việc tiêm phòng cho trẻ khi đang uống thuốc hạ sốt cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo các chuyên gia y tế, trong trường hợp trẻ sốt nhẹ và uống thuốc hạ sốt, hoàn toàn có thể tiêm ngừa, không nên trì hoãn nhằm giúp trẻ được tiêm đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo hiệu quả bảo vệ từ vắc xin mà trẻ nhận được là đạt mức tối ưu. Tuy nhiên, không nên tiêm phòng khi trẻ đang trong tình trạng sốt cao hoặc viêm nhiễm cấp tính bởi hiệu quả và an toàn của vắc xin có thể bị ảnh hưởng khi hệ miễn dịch của trẻ đang phải đối phó với tình trạng bệnh lý này.
Phòng khám 400 đã và đang triển khai dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào quý Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với 400clinic thông qua hotline/zalo: 0919.329.400 hoặc inbox qua fanpage facebook Phòng khám 400 Sản Phụ Khoa & KHHGĐ