Trong thời kỳ mang thai, ngoài việc duy trì lối sống khoa học, có chế độ dinh dưỡng phù hợp, việc tiêm các mũi vắc xin phòng bệnh cho cả thai phụ và thai nhi là rất quan trọng, đặc biệt là tiêm phòng uốn ván.
1. Bệnh uốn ván là gì?
Bệnh uốn ván – còn được gọi là phong đòn gánh – là chứng bệnh gây co giật, căng cứng cơ do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra. Trực khuẩn uốn ván có mặt ở khắp nơi trong môi trường sống, có thể lây nhiễm vào người khỏe qua vết thương hở. Đặc biệt, khả năng sinh tồn của vi khuẩn uốn ván rất mạnh. Đun sôi, tiệt trùng trong thời gian dài vẫn có khả năng không loại bỏ được vi khuẩn uốn ván một cách triệt để.
Các triệu chứng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm đau đớn, trước tiên ở các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy, sau lan ra cơ thân. Uốn ván là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
2. Vì sao nên tiêm phòng uốn ván cho bà bầu?
Ở bà bầu, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung. Còn đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và thắt dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh. Một khi các vi khuẩn tấn công vào cơ thể, chúng sẽ sản xuất một loại độc tố tên là tetanospasmin đi vào máu. Độc tố này khiến trẻ bị suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh dễ mắc uốn ván nếu trong quá trình mang thai mẹ bầu chưa được chủng ngừa bệnh nên không nhận được khả năng miễn dịch truyền từ mẹ. Do đó, ở độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ nên tiêm phòng uốn ván để bảo vệ toàn diện cho mẹ và bé, chuẩn bị cho thời điểm chuyển dạ sinh con.
Theo các bác sĩ, tiêm uốn ván giúp người mẹ tự tạo kháng thể trước, tránh lây nhiễm và mắc bệnh khi chuyển dạ. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng cũng hỗ trợ cho trẻ, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng uốn ván sau khi sinh. Vắc xin uốn ván cho bà bầu đã được kiểm định an toàn cho mẹ và bé, không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, các thai phụ nên thực hiện tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế.
3. Thời điểm tiêm phòng uốn ván cho bà bầu
Phụ nữ mang thai nên thực hiện theo đúng lịch tiêm phòng của trung tâm y tế dựa trên giai đoạn mang thai của mình. Về thời gian tiêm phòng, Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định như sau:
- Với người chưa tiêm phòng, chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin hoặc không rõ tiền sử tiêm nên tiêm vắc xin uốn ván theo lộ trình sau:
- Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu;
- Lần 2: Tiêm sau lần đầu tối thiểu 1 tháng;
- Lần 3: Tiêm sau lần 2 tối thiểu 6 tháng hoặc vào kỳ thai sau;
- Lần 4: Tiêm sau lần 3 tối thiểu 1 năm hoặc vào kỳ thai sau;
- Lần 5: Tiêm sau lần 4 tối thiểu 1 năm hoặc vào kỳ thai sau.
- Với người đã tiêm vắc xin uốn ván đủ 3 mũi có chứa thành phần liều cơ bản nên tiêm vắc xin theo lộ trình sau:
- Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu;
- Lần 2: Tiêm sau lần 1 tối thiểu 1 tháng;
- Lần 3: Tiêm sau lần 2 tối thiểu 1 năm.
- Với người đã tiêm vắc xin uốn ván đủ 3 mũi có chứa thành phần liều cơ bản và đã tiêm 1 liều nhắc lại nên tiêm theo lộ trình sau:
- Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu;
- Lần 2: Tiêm sau lần 1 tối thiểu 1 năm.
- Với phụ nữ mang thai lần đầu, chưa từng tiêm phòng uốn ván, chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sẽ tiêm 2 mũi vào các thời điểm sau:
- Mũi 1: Tiêm khi thai kỳ trên 18 tuần;
- Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 ít nhất 30 ngày đến trước khi sinh ít nhất 30 ngày.
Những phụ nữ đã tiêm phòng đủ 4 mũi uốn ván, mang thai lần 2 với mũi tiêm cuối trước 5 năm thì không cần phải tiêm nhắc lại uốn ván. Nếu thời gian tiêm phòng sau 5 năm thì nên tiêm nhắc lại 2 mũi uốn ván. Nếu ở thai kỳ trước, người mẹ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin uốn ván cách không quá 5 năm thì nên tiêm 1 mũi vắc xin từ tuần thai thứ 20 trở đi.
4. Lưu ý khi tiêm phòng uốn ván cho bà bầu
- Phụ nữ mang thai tuyệt đối không được tự ý đi tiêm phòng uốn ván mà cần tuân thủ đúng lịch tiêm theo giai đoạn mang thai của mình hoặc lịch của trung tâm y tế;
- Không cần quá lo lắng khi cảm thấy đau tại vị trí tiêm, sốt, đau đầu, dị ứng,… sau tiêm vì đây là lúc vắc xin uốn ván bắt đầu hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Các triệu chứng này thường không nghiêm trọng và sẽ nhanh chóng qua đi. Tình trạng sưng đau sẽ tự khỏi, không cần sử dụng thuốc hay chườm đắp vào vị trí tiêm;
- 2 tuần sau tiêm phòng cơ thể mới tạo kháng thể uốn ván. Do đó, để vắc xin đạt hiệu quả phòng bệnh cao, phụ nữ không nên dùng rượu bia sau tiêm và tuân thủ đúng lời dặn của bác sĩ;
- Nếu thai phụ tiêm uốn ván lần 2 có các triệu chứng như chân tay lạnh, da xanh tái, tiêu chảy, tim đập nhanh, khó thở,… cần ngay lập tức đến bệnh viện để được can thiệp điều trị kịp thời, tránh sốc phản vệ sau tiêm;
- Nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, được chứng nhận của Bộ Y tế về tiêm chủng khi tiêm vắc xin uốn ván để đảm bảo an toàn cho mẹ bầu và thai nhi.
Uốn ván là một trong những vấn đề đáng lo đối với sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh. Vì vậy, tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là vô cùng quan trọng để đảm bảo ngăn chặn tối đa nguy cơ gặp phải những tai biến khó lường khi chuyển dạ. Khi tiêm phòng uốn ván, thai phụ cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế về liều tiêm, thời điểm tiêm phòng.
PHÒNG KHÁM 400 SẢN PHỤ KHOA & KHHGĐ sử dụng nguồn vaccine chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng. Đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng. Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm có thể tư vấn và xử lý các tình huống tiêm chủng phức tạp. Mua gói tiêm chủng khách hàng sẽ không phải lo hết thiếu vaccine và không phải chịu ảnh hưởng của việc thay đổi giá các loại vaccine trong lịch tiêm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE 0919 329 400. hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.