1. Nước ối xuất hiện vào lúc nào sau khi thụ thai?
Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, giữ một vai trò quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi nằm trong bụng mẹ. Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai. Lúc này, buồng ối vẫn nằm riêng trong mầm phôi và đã có dịch kẽ phôi. Khoảng 16 ngày tiếp theo, tức ngày thứ 28 tính từ lúc thụ thai, nhau thai đã hình thành tuần hoàn và tạo nên sự thẩm thấu nước ối.
2. Nước ối được tạo ra như thế nào?
Nước ối được tạo thành từ: thai nhi, màng ối và máu mẹ.
- Từ thai nhi: Trong giai đoạn đầu thai kỳ, da thai nhi có liên quan đến sự tạo thành nước ối, thông thường điều này chấm dứt khi thai nhi được 20 tuần tuổi, tuy nhiên cũng có thể kéo dài đến 28 tuần tuổi tuỳ vào từng bé. Từ tuần thứ 20, nước ối có nguồn gốc từ khí-phế -quản, do huyết tương của thai nhi thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp của bé. Nhưng nguồn gốc nước ối quan trọng nhất là do đường tiết niệu, sang tuần thứ 16, đường niệu của bé trở thành nguồn sản xuất nước ối. Đó là lý do tại sao phải khảo sát hệ niệu thai khi người mẹ xuất hiện tình trạng thiểu ối.
- Từ màng ối: Màng ối bao phủ bánh nhau dây rốn, cũng tiết ra nước ối.
- Từ máu mẹ: Giữa các chất có trong máu của người mẹ và nước ối có một sự trao đổi qua lại ở màng ối. Như vậy, nước ối luôn được tái tạo. Và sự tái tạo mang tính tuần hoàn này được thực hiện thông qua thai nhi nhờ hệ tiêu hóa. Chúng ta có thể nhận biết điều này khi thai nhi nuốt ối vào tuần thứ 20. Hiện tượng tuần hoàn này có mức độ tăng dần khi thai đủ tuổi và sau đó giảm đi. Đó là lý do khi thai càng già tháng càng có nguy cơ bị thiểu ối. Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của bé, màng ối và dây rốn.
3. Vai trò quan trọng của nước ối đối với sự phát triển của thai nhi
Nước ối đã có chức năng nuôi dưỡng phôi thai, bảo đảm cho sự sống còn và phát triển của thai. Từ 34 tuần trở lên, thai nhi hấp thu từ 300-500ml nước ối mỗi ngày. Lượng nước ối này góp phần tạo phân su, vào máu giúp cân bằng dịch trong cơ thể thai nhi và một phần được lọc tạo thành nước tiểu cho bé. Nước ối còn có chức năng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối.
Về mặt cơ học, nước ối tạo môi trường cho thai phát triển hài hòa và bình chỉnh về ngôi thai trong ống sinh dục của mẹ trong những tháng cuối thai kỳ. Trong lúc chuyển dạ sanh, nước ối tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn. Nước ối giúp thành lập đầu ối nong cổ tử cung của mẹ giúp cho sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn. Sau khi vỡ ối, nước ối giúp bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi dễ được sinh ra hơn.
4. Nước ối có màu gì?
Giai đoạn đầu thai kỳ nước ối có màu trắng trong. Thai nhi càng lớn dần thì màu sắc nước ối sẽ trắng đục dần do có chứa nhiều chất gây (chất bám vào da bé giúp bảo vệ bé, một dạng như chất béo). Thai đủ trưởng thành (từ tuần lễ thứ 38), nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống như nước vo gạo.
Nước ối có những màu sắc bất thường khác có thể là dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng sức khỏe thai nhi.
Trong thai kỳ, nước ối đóng vai trò quan trọng ngang bằng với lá nhau, dây rốn, tử cung trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Dựa vào khảo sát thể tích, tỷ trọng và màu sắc nước ối người ta có thể dự báo cũng như tiên đoán được sức khỏe và tình trạng phát triển của bé đang còn nằm trong bụng mẹ. Khám sức khỏe thai định kỳ và kiểm tra chỉ số nước ối giúp phát hiện sớm những bất thường về nước ối.
Phòng khám 400 Sản Phụ Khoa & KHHGĐ là 1 trong những cơ sở y tế uy tín, chất lượng nhất tại Thanh Hóa với đội ngũ Bác sĩ trình độ chuyên môn cao giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, tận tâm thường xuyên được đi học nâng cao cập nhật kiến thức mới ở bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Phụ Sản Trung Ương,…
Cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ mới nhất của Mỹ giúp bác sĩ khảo sát phát hiện sớm những bất thường và đưa ra kết luận chuẩn xác nhất hỗ trợ quá trình điều trị tốt nhất.