Hội chứng tiền kinh nguyệt kéo dài bao lâu?

Hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm các triệu chứng xảy ra vào khoảng thời gian nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Hậu quả gây ra nhiều khó chịu về mặt thể chất, tinh thần và cảm xúc, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

1. Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Nhiều phụ nữ thường cảm thấy có sự thay đổi rõ rệt về mặt thể chất hoặc tâm trạng trong khoảng thời gian trước khi có kinh nguyệt. Khi những triệu chứng như vậy xảy ra đều đặn hàng tháng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống bình thường của người phụ nữ, thì được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS – Premenstrual Syndrome).

2. Những triệu chứng của tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể dẫn đến một số rối loạn về mặt cảm xúc, bao gồm:

  • Cảm giác phiền muộn
  • Hay giận dữ
  • Cáu gắt
  • Cảm thấy lo ngại
  • Hay nhầm lẫn
  • Cảm thấy bị xã hội xa lánh
  • Kém tập trung
  • Mất ngủ
  • Thường phải ngủ chợp mắt
  • Thay đổi ham muốn tình dục

Các triệu chứng về thể chất liên quan đến tiền kinh nguyệt, bao gồm:

  • Thay đổi cảm giác khát nước và thèm ăn, ví dụ như thèm ăn một món nào đó
  • Ngực mềm
  • Phù và tăng cân
  • Đau đầu
  • Sưng tay hoặc chân
  • Đau nhức toàn thân
  • Mệt mỏi
  • Xuất hiện các vấn đề về da
  • Xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa
  • Đau bụng tiền kinh nguyệt

3. Hội chứng tiền kinh nguyệt kéo dài bao lâu?

Các triệu chứng khó chịu về thể chất và tinh thần của hội chứng tiền kinh nguyệt thường kéo dài trong khoảng từ 1 – 2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt kế tiếp và sẽ biến mất ngay sau đó khi ra máu kinh.

Hội chứng tiền kinh nguyệt thường kéo dài 1 - 2 tuần trước ngày hành kinh
Hội chứng tiền kinh nguyệt thường kéo dài 1 – 2 tuần trước ngày hành kinh

4. Chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt

Để chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt, bác sĩ phải xác định được một số dấu hiệu sau đây ở bệnh nhân:

  • Triệu chứng xuất hiện trong vòng 5 ngày trước khi kỳ kinh mới bắt đầu và lặp lại liên tục trong ít nhất ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp.
  • Triệu chứng thường kết thúc trong vòng 4 ngày sau khi kỳ kinh mới bắt đầu.
  • Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

Nếu có thể, hãy ghi chú lại tất cả các triệu chứng đã xảy ra trong vòng 2 – 3 tháng trước khi đến thăm khám. Các dấu hiệu này xuất hiện vào những ngày nào trong tháng, và thời điểm lúc bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.

5. Nguy cơ rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Nếu các triệu chứng tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân hay công việc, thì rất có thể bệnh nhân đã bị hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD – Premenstrual Dysphoric Disorder). PMDD là loại rối loạn tiền kinh nguyệt chỉ xảy ra với một tỷ lệ rất nhỏ. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ sử dụng một loại thuốc có tác dụng điều trị trầm cảm.

6. Điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt

Nếu hội chứng tiền kinh nguyệt chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ đến trung bình, tình trạng này có thể giải quyết bằng cách thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn uống. Nếu các triệu chứng tiền kinh nguyệt bắt đầu can thiệp vào cuộc sống của người bệnh, quyết định điều trị bằng thuốc có thể được bác sĩ lựa chọn. Điều trị như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Chỉ trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ mới cân nhắc cho dùng thuốc, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn.

6.1. Tập thể dục

Đối với nhiều phụ nữ, thực hiện thường xuyên các động tác tăng cường nhịp thở và nhịp tim sẽ làm giảm các triệu chứng do hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra, ngoài ra còn làm giảm mệt mỏi và ngăn ngừa xảy ra trầm cảm. Các động tác tập thể dục, bao gồm đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe và bơi lội, giúp tăng cường chức năng tim mạch và chức năng hô hấp. Nên đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.

6.2. Thư giãn và giải tỏa căng thẳng

Hãy tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng khi đang mắc hội chứng tiền kinh nguyệt. Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện liệu pháp thư giãn để điều trị triệu chứng. Liệu pháp thư giãn thường là các bài tập thở, thiền và yoga. Bên cạnh đó, liệu pháp massage cũng là một hình thức trị liệu đơn giản khác có thể áp dụng.

Ngoài ra, ngủ đủ giấc cũng là yếu tố rất quan trọng giúp phụ nữ có đủ sức khỏe để chống lại các cơn đau bụng tiền kinh nguyệt. Tập thói quen đi ngủ đúng giờ, cố gắng thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm trong ngày, kể cả cuối tuần, có thể giúp giải tỏa tâm trạng căng thẳng và mệt mỏi.

Đi ngủ và thức dậy đúng giờ sẽ giúp bạn giảm triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt
Đi ngủ và thức dậy đúng giờ sẽ giúp bạn giảm triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt

6.3. Thay đổi chế độ ăn uống

Những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống có khả năng làm giảm các triệu chứng của tiền kinh nguyệt:

  • Đa dạng nguồn carbohydrate phức hợp: Một chế độ ăn giàu carbohydrate phức hợp có thể làm dịu các triệu chứng bất thường trong tâm trạng và cảm giác thèm ăn. Carbohydrate phức hợp thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm làm bằng ngũ cốc nguyên hạt, như bánh mì ngũ cốc, mì ống và hạt ngũ cốc. Một số ví dụ khác, bao gồm lúa mạch, gạo nâu và đậu lăng.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, như sữa chua và rau lá xanh, vào thực đơn hàng ngày của bạn.
  • Giảm lượng chất béo, muối và đường.
  • Tránh tiêu thụ bia, rượu và các món có chứa cafein như trà đặc, cà phê.
  • Thay đổi thói quen ăn uống: Chia làm 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày thay vì ba bữa chính, hoặc ăn ít hơn một chút trong ba bữa ăn chính và bổ sung thêm ba bữa ăn nhẹ.
  • Giữ lượng đường trong máu luôn ổn định cũng là một cách giải quyết triệu chứng.

6.4. Sử dụng các loại thực phẩm bổ sung

Bổ sung 1.200 mg canxi mỗi ngày sẽ làm giảm đi phần nào các triệu chứng về thể chất và tinh thần gây ra bởi hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, magiê cũng là thành phần tốt cho cơ thể, giảm khả năng giữ nước (tình trạng phù), giảm đau bụng tiền kinh nguyệt và các triệu chứng liên quan đến tâm trạng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vitamin E cũng có tác dụng giúp giảm các triệu chứng của tiền kinh nguyệt.

Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ đối với hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều chưa được thử nghiệm hoặc chưa được chứng minh là có hiệu quả. Lưu ý trước khi dùng bất kỳ sản phẩm hoặc thực phẩm bổ sung nào, nên trao đổi kỹ với bác sĩ về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Sử dụng các chất bổ sung quá liều lượng hoặc kết hợp với một số thuốc có thể dẫn đến các tác hại ngoài ý muốn.

6.5. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Các loại thuốc ngăn ngừa sự rụng trứng, chẳng hạn như thuốc tránh thai nội tiết tố, có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến thể chất. Tuy nhiên, không phải tất cả các thuốc này đều có khả năng làm ổn định tâm trạng của bệnh nhân.

Thuốc chống trầm cảm có thể giúp ích trong việc điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt ở một số phụ nữ. Các thuốc thuộc nhóm này giúp giảm bớt các triệu chứng bất thường về tinh thần. Chúng thường được sử dụng 2 tuần trước khi xuất hiện dấu hiệu tiền kinh nguyệt hoặc trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, nhưng tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn một loại thích hợp. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc an thần để giúp bạn giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Để giảm đau bụng tiền kinh nguyệt, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, có thể được sử dụng. Tuy nhiên, thường bác sĩ sẽ cân nhắc vì nhóm thuốc này có tác dụng phụ gây xuất huyết dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng.

Nếu nhận thấy người bệnh có triệu chứng sưng phù, bác sĩ có thể sẽ phối hợp thêm thuốc lợi tiểu để ngăn ngừa sự tích tụ nước trong cơ thể. Việc sử dụng thuốc nhóm NSAID và thuốc lợi tiểu cùng một lúc có thể gây ra các vấn đề về thận. Do đó, nếu có thể, người bệnh nên liệt kê các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ điều trị có thể quyết định kê đơn phù hợp hơn.

Nếu bạn đã trải nghiệm và hài lòng với dịch vụ của chúng tôi, xin hãy mách nhỏ với bạn bè và người thân của mình. Trong trường hợp chưa hài lòng về dịch vụ đã nhận, xin vui lòng cho chúng tôi biết vấn đề của bạn qua:
Cơ sở 1: 400 Hải Thượng Lãn Ông – TP Thanh Hóa.
Cơ sở 2: 440 Trần Phú – TP Thanh Hóa.
Hotline/Zalo: 0919.329.400.
Website: 400clinic.com
Tiktok: @Phongkham400thanhhoa
Bạn cũng có thể đặt lịch hẹn nhanh chóng qua các kênh liên hệ trên nhé!
Chất lượng & sự hài lòng