VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

1. Viêm đường tiết niệu là gì?

Viêm đường tiết niệu hay viêm đường tiểu là tình trạng xảy ra khi nước tiểu có sự xâm nhập của vi khuẩn khiến một số cơ quan trong hệ tiết niệu bị viêm nhiễm. Bệnh có 3 cách để phân loại, gồm:

  • Phân loại theo vị trí: Viêm đường tiết niệu trên (viêm thận – bể thận cấp, viêm thận – bể thận mạn tính, áp xe thận, thận ứ mủ) và viêm đường tiết niệu dưới (viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tinh hoàn, viêm tiền liệt tuyến).
  • Phân loại theo diễn biến: Nhiễm khuẩn niệu đơn giản và nhiễm khuẩn niệu phức tạp. Nhiễm khuẩn niệu phức tạp thường gặp ở những người có bất thường về hệ tiết niệu gây tắc nghẽn đường tiết niệu như bàng quang thần kinh, sỏi tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, phụ nữ mang thai, đặt Catheter đường tiết niệu.

2. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu

Khoảng 95% nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn bội nhiễm ngược dòng niệu đạo vào bàng quang (5% từ đường máu), trong đó Escherichia coli (E.coli) chiếm 80% tác nhân gây bệnh.

Escherichia Coli là vi khuẩn thường trú ở đường ruột, chúng cũng xuất hiện nhiều ở trên da gần hậu môn và có khả năng thâm nhập vào đường tiết niệu nếu bạn không biết vệ sinh đúng cách. Vị trí đường tiểu và hậu môn của nữ gần hơn nam nên nguy cơ bị viêm nhiễm cũng sẽ cao hơn.

VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Viêm đường tiết niệu ở nam giới

  • Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân gây bệnh phổ biến.
  • Bị viêm quy đầu, da quy đầu do vệ sinh không đúng cách
  • Chấn thương dương vật do quan hệ tình dục thô bạo, gây kích thích niệu đạo dẫn tới tình trạng viêm niệu đạo.
  • Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh: sỏi, phì đại tuyến tiền liệt, bàng quang thần kinh, hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo…

Viêm đường tiết niệu ở nữ giới

  • Thói quen vệ sinh vùng kín từ sau ra trước, nhịn tiểu quá lâu, vệ sinh cá nhân không sạch sẽ… sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập phát triển và gây viêm nhiễm đường tiết niệu.
  • Quan hệ tình dục không lành mạnh, không vệ sinh vùng kín trước và sau khi giao hợp.
  • Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng hoặc không thay băng vệ sinh sau mỗi 3 – 4 tiếng.
  • Một số yếu tố nguy cơ: sỏi đường tiết niệu, bàng quang thần kinh, hẹp niệu quản, có thai.

Viêm tiết niệu khi mang thai là một trong những tình trạng thường gặp nhất ở thai phụ. Bệnh làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm cho cả và bé như viêm bể thận, sảy thai, sinh non, nhiễm khuẩn sơ sinh,…

3. Triệu chứng viêm tiết niệu

Triệu chứng tại chỗ

Một số trường hợp nhiễm trùng không có biểu hiện gì mà chỉ vô tình phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu. Đối tượng phổ biến của bệnh thường là phụ nữ trong tuổi hoạt động tình dục, thai phụ, người bị đái tháo đường…

Người bệnh sẽ thấy khó chịu khi đi tiểu tiện như tiểu gắt buốt, tiểu lắt nhắt, cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang dù mới đi tiểu. Nước tiểu có màu đục, mùi hôi nồng, có lẫn máu hoặc mủ. Một số trường hợp đi khám vì cảm giác đau hạ vị khi viêm bàng quang hoặc đau vùng hông lưng khi viêm thận – bể thận, áp xe thận. Khi có sỏi ở thận gây ứ nước, nhiễm trùng hoặc áp-xe thận, người bệnh sẽ rất đau khi khám tại vị trí này.

Triệu chứng viêm đường tiết niệu
Triệu chứng viêm đường tiết niệu

Triệu chứng toàn thân

Thận là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với máu. Cơ quan này phải tiếp nhận một lượng máu lớn để lọc và hình thành nước tiểu. Vì thế, vi khuẩn khi xâm nhập vào hệ niệu cũng rất dễ dàng xâm nhập vào máu, lan ra toàn cơ thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng, hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn và có thể dẫn tới tử vong. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện như sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi dơ, gương mặt hốc hác.

Triệu chứng ở nam giới

  • Sự bất thường trong nước tiểu: Màu sắc chuyển sang vàng đục, xuất hiện mùi lạ hôi nồng, có thể lẫn máu hoặc mủ trong nước tiểu.
  • Rối loạn tiểu tiện: Bệnh sẽ khiến người bệnh đi tiểu nhiều, tiểu lắt nhắt. Mỗi lần tiểu tiện, nước tiểu tiết ra rất ít, thậm chí là chỉ vài giọt.
  • Đau rát và ngứa tại niệu đại: Có thể xuất hiện mủ trên miệng sáo.
  • Đau bụng dưới và vùng thắt lưng: Khi quan hệ tình dục, cơn đau sẽ càng dồn dập.

Triệu chứng ở nữ giới

  • Đi tiểu liên tục: Sau mỗi 15 – 20 phút/lần, có cảm giác khó chịu về đêm. Khi tiểu tiện, nước tiểu rất ít, thậm chí là không có. Người bệnh cảm thấy đau tức vùng bụng dưới.
  • Tiểu rắt, tiểu buốt: Có cảm giác nóng rát khi tiểu.
  • Nước tiểu khác thường: Có mùi hôi nồng, màu đục, có thể xuất hiện máu hoặc mủ.
  • Đau quặn thắt ở phần thắt lưng hay bụng dưới: Cơn đau này là do viêm nhiễm lan đến niệu quản và thận. Nếu không điều trị ngay, bệnh nhân còn bị sốt cao, buồn nôn, ớn  lạnh.

3. Viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không?

Viêm tiết niệu đơn giản, xảy ra ở phụ nữ trẻ và không có bất thường về đường tiết niệu thì đa phần không gây biến chứng. Ngược lại, nhiễm trùng tiết niệu phức tạp ở những người bệnh có sẵn các yếu tố thuận lợi trước đó có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.

Nguy cơ và biến chứng của nhiễm trùng niệu rất nhiều như là độc lực vi khuẩn gây phá hủy chủ mô thận, hoại tử nhú thận, gây tắc nghẽn hay suy giảm chức năng của thận. Tình trạng này nếu để lâu dài có thể dẫn tới suy thận vĩnh viễn hoặc phải cắt bỏ thận.

Nhiễm trùng hệ tiết niệu ở nam giới có thể gây áp-xe tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, làm bít tắc ống dẫn tinh, tăng nguy cơ vô sinh.

Nếu sự hiện diện dai dẳng của vi khuẩn tại hệ niệu không được điều trị kịp thời và đủ liều kháng sinh, vi khuẩn sẽ dễ dàng di chuyển vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, tử vong.

4. Điều trị viêm đường tiết niệu

Kháng sinh là cách điều trị viêm đường tiết niệu thường được sử dụng nhất. Nếu người bệnh chỉ xuất hiện những triệu chứng khu trú ở đường tiết niệu dưới do viêm bàng quang, viêm niệu đạo, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh đường uống trong 5 – 7 ngày. Nếu có triệu chứng sốt và ớn lạnh, nhiễm trùng huyết, ổ viêm tại đường niệu trên, người bệnh cần nhập viện để sử dụng kháng đường tĩnh mạch.

Trong trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần, người bệnh có dị dạng đường niệu hoặc đang đặt ống tiểu, bác sĩ sẽ nuôi cấy vi khuẩn để tìm đúng kháng sinh nhạy cảm với chủng vi khuẩn đó.

Bên cạnh đó, các loại thuốc có tính sát trùng trên hệ niệu cũng được ghi nhận về hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn, có thể được chỉ định dùng với kháng sinh. Tuy nhiên, bằng chứng của các loại thuốc này vẫn chưa rõ ràng.

Nếu ổ nhiễm khuẩn không khống chế được bằng thuốc hoặc có biến chứng ở thận như thận ứ nước nhiễm khuẩn, thận ứ mủ,  áp-xe thận, người bệnh cần áp dụng điều trị phẫu thuật dễ dẫn lưu ổ nhiễm khuẩn. Tương tự những dị tật hệ niệu, khi không phẫu thuật chỉnh sửa hoàn thiện, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ bệnh tái đi tái lại, lâu ngày dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

5. Phòng ngừa viêm tiết niệu

  • Đảm bảo uống đủ 2l – 2,5l nước mỗi ngày. Vì thói quen này sẽ giúp thận tăng bài tiết nước tiểu để tống vi trùng ra ngoài, hạn chế lây nhiễm ngược dòng.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách, đặc biệt là nữ giới khi có kinh nguyệt.
  • Người từng bị hay đang bị sỏi thận – tiết niệu cần thường xuyên khám và tầm soát nhiễm trùng tiểu để có biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Khi bị viêm đường tiểu, người bệnh cần điều trị đúng phương pháp và triệt để ngay từ đầu để ngừa tình trạng tái phát.
Nếu bạn đã trải nghiệm và hài lòng với dịch vụ của chúng tôi, xin hãy mách nhỏ với bạn bè và người thân của mình. Trong trường hợp chưa hài lòng về dịch vụ đã nhận, xin vui lòng cho chúng tôi biết vấn đề của bạn qua:
Cơ sở 1: 400 Hải Thượng Lãn Ông – TP Thanh Hóa.
Cơ sở 2: 440 Trần Phú – TP Thanh Hóa.
Hotline/Zalo: 0919.329.400.
Website: 400clinic.com
Tiktok: @Phongkham400thanhhoa
Bạn cũng có thể đặt lịch hẹn nhanh chóng qua các kênh liên hệ trên nhé!
Phòng khám 400 Sản Phụ khoa & KHHGĐ
Chất lượng & sự hài lòng