Herpes (mụn rộp) ở môi: Những điều cần biết

Herpes môi là bệnh lý truyền nhiễm gây ra do một loại virus có tên là HSV, biểu hiện bệnh chủ yếu ở quanh môi, má và miệng. Bệnh herpes môi thường tự khỏi và có thể được điều trị tại nhà.

1. Herpes môi là bệnh gì?

Bệnh Herpes môi còn được gọi là mụn nước sốt (hay sốt vỉ), là những vết phồng rộp nhỏ thành từng đám trên môi và xung quanh miệng. Bệnh Herpes môi gây ra do virus Herpes simplex (HSV).

Có 2 loại là HSV-1 và HSV-2. Cả 2 loại virus đều có thể gây loét xung quanh miệng (herpes labialis) và trên cơ quan sinh dục (herpes genital).

Vùng da quanh chỗ phồng thường nổi đỏ, sưng lên và đau nhức. Vùng bị phỏng có thể vỡ, dịch trong chảy ra ngoài và sau đó đóng vảy sau vài ngày. Tuy nhiên, vết thương thường tự lành trong khoảng vài ngày tới 2 tuần và cũng có thể điều trị tại nhà.

2. Triệu chứng của bệnh Herpes môi

Ngoài các biểu hiện chính trên môi và quanh miệng, còn có thể có những triệu chứng khác như:

  • Miệng bị đau, ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống và ngủ nghỉ. Vị trí đau chủ yếu ở vùng bị mụn rộp
  • Bị sốt
  • Đau họng
  • Sưng hạch cổ
  • Chảy nước dãi ở trẻ nhỏ.

Lần đầu nhiễm virus có thể không có dấu hiệu mụn rộp. Tuy nhiên nếu có biểu hiện, mụn rộp có thể lan tràn đến mọi nơi trong miệng và tình trạng này thường nghiêm trọng hơn trong những lần bùng phát sau này.

Sau khi bị nhiễm, virus HSV sẽ tồn tại trong cơ thể và sẽ gây tái đi tái lại trong suốt quãng đời còn lại của bệnh nhân. Bệnh mụn rộp ở môi tái diễn thường xuất hiện ở mép môi. Giai đoạn tiền phát trong khoảng 6 đến 48 giờ đầu tiên, khi chưa có biểu hiện mụn. Bệnh nhân sẽ có cảm giác ngứa, tê, hơi nhói, nóng, căng hoặc đau ở vùng bị nhiễm bệnh.

Virus HSV sẽ tồn tại trong cơ thể và sẽ gây mụn rộp tái đi tái lại
Virus HSV sẽ tồn tại trong cơ thể và sẽ gây mụn rộp tái đi tái lại

3. Herpes môi có lây không?

Virus lây bệnh Herpes môi thường xâm nhập trực tiếp vào cơ thể thông qua vết thương trên vùng da xung quanh và bên trong miệng. Khả năng mắc bệnh xảy ra khi người lành tiếp xúc với vết phồng hoặc chất dịch từ người bệnh, chẳng hạn như ăn uống chung, dùng chung dụng cụ vệ sinh hoặc dao cạo, hôn người bị bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người ấy. Tương tự, cha mẹ bị bệnh thường lây virus cho con theo cách này. Herpes môi cũng có khả năng lan tới các vùng khác của cơ thể.

4. Điều trị bệnh Herpes môi

Hiện nay chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh Herpes môi, cũng không có cách tiêu diệt virus gây bệnh herpes simplex (HSV). Thông thường các mụn rộp sẽ tự biến mất trong chưa tới 2 tuần. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc có thể làm giảm thời gian mắc bệnh và giúp phần nào ngăn chặn bệnh bùng phát trở lại trong tương lai.

Herpes môi bôi thuốc gì hay uống thuốc gì phụ thuộc vào việc bệnh nhân đang mắc bệnh khởi phát, tái phát hay đang cố gắng để ngăn chặn nguy cơ khởi phát bệnh trong thời gian tới.

Để điều trị bệnh mụn rộp miệng khởi phát, các loại thuốc uống kháng virus có thể giúp giảm đau và giảm thời gian lành bệnh.

Đối với điều trị mụn rộp tái phát, nguyên tắc điều trị chủ yếu là làm giảm mức độ nghiêm trọng và giảm thời gian phát bệnh, bằng các loại thuốc sau đây:

  • Thuốc mỡ hoặc kem bôi cục bộ (có thể bán theo hoặc không theo đơn): Có tác dụng giảm đau, ngứa, rút ngắn thời gian lành bệnh.
  • Thuốc uống kháng virus (chỉ bán theo đơn): Dùng khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh (như nóng, ngứa). Loại thuốc này có rất ít tác dụng khi mụn rộp đã sưng to.

Thuốc chữa trị Herpes môi có thể sử dụng hàng ngày để ngăn chặn nguy cơ bệnh tái phát, đặc biệt ở những người thường xuyên phát bệnh, gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Nếu hệ miễn dịch suy yếu và bị phát bệnh, cần đi khám để được chỉ định sử dụng thuốc và liệu lượng phù hợp để kiểm soát các triệu chứng và dùng liều hàng ngày để ngăn chặn bệnh tái phát. Dù tỷ lệ rất hiếm nhưng đôi với trẻ em và người lớn có hệ miễn dịch yếu, đôi khi phải dùng kháng sinh trong những giai đoạn mụn rộp nghiêm trọng, nhằm chữa trị bội nhiễm vi khuẩn.

Giai đoạn đầu tiên của Herpes môi có thể rất đau đớn, gây khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống, và ngủ nghỉ. Đối với trẻ em bị bệnh, có thể có sốt và nhiều mụn rộp lở loét trong miệng, trường hợp này cần phải khuyến khích cho trẻ uống đủ nước và các chất lỏng khác để tránh tình trạng mất nước. Ngoài ra, với người lớn và trẻ lớn ở giai đoạn đầu tiên của mụn rộp, đôi khi cần được chỉ định một toa thuốc súc miệng mạnh để giải quyết triệu chứng đau.

5. Điều trị bổ sung

Người bệnh có thể bổ sung thêm vitamin C để hỗ trợ cho hệ miễn dịch của cơ thể
Người bệnh có thể bổ sung thêm vitamin C để hỗ trợ cho hệ miễn dịch của cơ thể

Bệnh nhân Herpes môi có thể cần điều trị thêm với một số thuốc bổ sung, nếu muốn giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

Cụ thể, trong giai đoạn khởi phát bệnh, người bệnh có thể dùng bổ sung Vitamin C, lysine và chanh bạc hà để hỗ trợ cho hệ miễn dịch của cơ thể. Vitamin C có thể dùng ở dạng thuốc viên uống, kem bôi cục bộ, hoặc dạng lỏng dành cho mụn rộp. Lysine bổ sung có ở dạng thuốc viên, chanh bạc hà thường có sẵn trong kem bôi ngoài da. Bên cạnh đó, có thể thúc đẩy giảm thời gian phát bệnh bằng kem bôi chứa kẽm oxit.

6. Cách chữa Herpes môi tại nhà

Hầu hết các trường hợp mụn rộp có thể tự lành, nhưng bệnh nhân cũng có thể tự hỗ trợ cho việc điều trị các triệu chứng bệnh tại nhà bằng cách:

  • Đặt một chiếc khăn ướt mát lên trên các vết loét 3 lần một ngày, mỗi lần 20 phút để làm giảm tấy đỏ và sưng.
  • Dùng Ibuprofen hoặc Acetaminophen để giảm cơn đau. Không dùng Aspirin đối với bệnh nhân dưới 20 tuổi vì dược chất này có liên quan đến hội chứng Reye, một bệnh lý hiếm gặp nhưng tương đối nguy hiểm.
  • Làm dịu cơn đau miệng bằng cách sử dụng nước súc miệng có chứa baking soda.
  • Tránh dùng các loại thực phẩm có chứa axit (ví dụ: trái cây họ cam, quýt, cà chua).
  • Dùng thuốc mỡ bôi lên mụn rộp để giảm đau và mau lành vết thương.
  • Đối với trẻ em, nên đưa đi khám bác sĩ và nhận đơn thuốc, tránh tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

7. Ngăn ngừa Herpes môi tái phát

Bệnh nhân có thể làm giảm tần suất tái phát bệnh bằng các lời khuyên sau đây:

  • Tránh để đôi môi tiếp xúc ánh sáng mặt trời quá lâu. Nếu có thể, nên sử dụng kem chống nắng cho môi trong mọi thời điểm (bằng son dưỡng môi) và bảo vệ khuôn mặt tránh tác động từ ánh nắng mặt trời.
  • Tránh tiếp xúc thân mật (như hôn nhau) với người bệnh Herpes môi, hoặc người có vết loét mụn rộp miệng, hay herpes sinh dục.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm có thể kích thích phát bệnh. Không nên ăn các loại hạt, socola, hoặc gelatin.
  • Tránh dùng chung dụng cụ vệ sinh, bao gồm khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, hoặc các đồ dùng cá nhân khác mà người bệnh có thể đã sử dụng.

Những biện pháp giúp ngăn ngừa sự lây lan của Herpes môi ở trẻ em:

  • Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên.
  • Không để trẻ đưa đồ chơi vào miệng.
  • Thường xuyên rửa sạch đồ chơi của trẻ với chất khử trùng.
  • Nếu trẻ em có biểu hiện mụn vỡ hay rỉ dịch, nên giữ ở nhà cho đến khi thấy mụn nước bắt đầu đóng vảy.
  • Không để trẻ em tiếp xúc gần nhau trong khi có mụn rộp và chảy nước dãi không kiểm soát.
  • Sử dụng loại găng tay dùng một lần hoặc miếng gạc bông để lấy thuốc mỡ bôi lên vết mụn loét của bé.

Trong mọi trường hợp, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ là phương pháp tốt nhất giúp phòng chống nguy cơ lây nhiễm Herpes môi cũng như nhiều căn bệnh khác do virus gây ra.

`