Đa nang buồng trứng 2 bên: Nguyên nhân và triệu chứng

Đa nang buồng trứng 2 bên là một rối loạn nội tiết phổ biến, ảnh hưởng đến cách buồng trứng hoạt động. Điều này không chỉ gây ra những thay đổi về sinh lý mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá định nghĩa chi tiết của đa nang buồng trứng 2 bên, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, và những ảnh hưởng của nó đến cơ thể người bệnh.

1. Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng rối loạn nội tiết thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đáng chú ý là có khoảng 10 – 15% phụ nữ trong nhóm tuổi này mắc phải hội chứng này nhưng thực tế có tới 70% trường hợp không biết bản thân bị PCOS.

Hội chứng buồng trứng đa nang sẽ ảnh hưởng xuyên suốt cuộc đời của người phụ nữ từ lúc dậy thì cho đến lúc mãn kinh. Triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang rất đa dạng, thể hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, đôi khi dẫn đến chẩn đoán và can thiệp muộn, dẫn đến nhiều biến chứng sức khoẻ lâu dài như béo phì, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…

Buồng trứng đa nang cũng là một nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới
Buồng trứng đa nang cũng là một nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới

 

Hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán khi người bệnh có 2 trong 3 tiêu chuẩn: Rối loạn phóng noãn hay không phóng noãn thể hiện bởi chu kỳ kinh không đều, kinh thưa, vô kinh. Cường androgen (nội tiết tố nam) được chẩn đoán bằng thăm khám các dấu hiệu lâm sàng (mụn trứng cá, rậm lông, hói đầu, thừa cân…) hoặc xét nghiệm. Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.

2. Những yếu tố dẫn đến tình trạng đa nang buồng trứng 2 bên

HIện tại, các yếu tố dẫn đến tình trạng đa nang buồng trứng 2 bên vẫn còn chưa xác định. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự gia tăng hormone nam trong cơ thể có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn quá trình rụng trứng.

Bên cạnh đó, yếu tố di truyền và kháng insulin cũng góp phần vào việc tăng cường sản xuất androgen:

  • Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng PCOS có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho thấy một mối liên hệ di truyền rõ ràng.
  • Kháng insulin: Đến 70% phụ nữ mắc PCOS có tình trạng kháng insulin. Insulin là hormone do tuyến tụy tạo ra giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng cho cơ thể. Khi cơ thể không phản ứng hiệu quả với insulin, nhu cầu insulin tăng lên, buộc tuyến tụy phải sản xuất nhiều hơn. Lượng insulin thừa này thúc đẩy buồng trứng sản xuất thêm hormone nam, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của PCOS.

3. Triệu chứng buồng trứng đa nang

Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, các biểu hiện thay đổi rất nhiều giữa các cá thể, chủng tộc và vùng miền. Trên từng cá thể, biểu hiện của hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể thay đổi tùy theo các giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Nhiều phụ nữ không nhận ra mình mắc phải hội chứng này cho đến khi họ trải qua tình trạng tăng cân bất thường hoặc khó khăn trong việc thụ thai. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến nhất của PCOS:

  • Kinh nguyệt không đều: Việc thiếu hụt rụng trứng khiến niêm mạc tử cung không thể bong ra mỗi tháng như bình thường. Nhiều phụ nữ bị PCOS thường chỉ có kỳ kinh nguyệt ít hơn 8 lần mỗi năm hoặc thậm chí không có.
  • Kinh nguyệt nhiều: Khi niêm mạc tử cung phát triển quá lâu mà không bị bong ra, lượng máu mất đi trong kỳ kinh có thể tăng lên đáng kể.
  • Cơ thể xuất hiện nhiều lông: Hơn 70% phụ nữ mắc PCOS thấy lông mọc nhiều hơn ở mặt, lưng, bụng và ngực do mức độ cao của hormone nam.
  • Mụn trứng cá: Sự gia tăng hormone nam cũng có thể khiến da tiết ra nhiều dầu hơn, gây ra mụn trứng cá ở mặt, ngực và lưng.
  • Tăng cân: Nhiều phụ nữ bị PCOS gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
  • Sạm da: Các vùng da tối màu có thể xuất hiện ở cổ, bẹn, và dưới vú, được gọi là acanthosis nigricans hay còn gọi là dấu gai đen, liên quan đến sự kháng insulin.
  • Lo lắng, trầm cảm: Phụ nữ mắc hội chứng này sẽ thường xuyên thấy căng thẳng, lo âu do tình trạng kinh nguyệt rối loạn, tình trạng thừa cân, béo phì, mụn trứng cá…. Tình trạng này kéo dài có thể gây trầm cảm.
  • Hình ảnh 2 buồng trứng to, nhiều nang trên siêu âm đường âm đạo: Có trên 20 nang trứng trên 1 buồng trứng và/hoặc thể tích mỗi bên buồng trứng ≥ 10ml.

Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này hoặc nghi ngờ mình có thể mắc PCOS, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Kinh nguyệt không đều là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng đa nang buồng trứng 2 bên.
Kinh nguyệt không đều là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng đa nang buồng trứng 2 bên.

4. Hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Tình trạng hormone androgen cao hơn bình thường này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác, bao gồm:

  • Vô sinh: PCOS làm cản trở quá trình rụng trứng, do đó, PCOS trở thành nguyên nhân phổ biến dẫn đến vô sinh ở phụ nữ.
  • Hội chứng chuyển hóa: Phần lớn phụ nữ mắc PCOS đồng thời gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Tình trạng này kết hợp với PCOS làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa, bao gồm tăng đường huyết, tăng huyết áp và tăng cholesterol. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường.
  • Ngưng thở khi ngủ: Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ bị PCOS có nguy cơ cao gặp phải tình trạng ngưng thở lặp đi lặp lại trong lúc ngủ, làm gián đoạn giấc ngủ, cao gấp 5-10 lần so với những người không mắc PCOS.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Khi không có quá trình rụng trứng thường xuyên, lớp niêm mạc tử cung dày lên và không được thải ra ngoài, tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
  • Trầm cảm: Các vấn đề về hormone cùng với những ảnh hưởng tiêu cực khác của PCOS có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng, dẫn đến trầm cảm.

Với những thông tin hữu ích trên, hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan về hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), đặc biệt là đa nang buồng trứng 2 bên. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này và đưa ra quyết định điều trị phù hợp, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Nếu bạn đã trải nghiệm và hài lòng với dịch vụ của chúng tôi, xin hãy mách nhỏ với bạn bè và người thân của mình. Trong trường hợp chưa hài lòng về dịch vụ đã nhận, xin vui lòng cho chúng tôi biết vấn đề của bạn qua:
Cơ sở 1: 400 Hải Thượng Lãn Ông – TP Thanh Hóa.
Cơ sở 2: 440 Trần Phú – TP Thanh Hóa.
Hotline/Zalo: 0919.329.400.
Website: 400clinic.com
Tiktok: @Phongkham400thanhhoa
Bạn cũng có thể đặt lịch hẹn nhanh chóng qua các kênh liên hệ trên nhé!
Chất lượng & sự hài lòng
`