Có nhiều phương pháp giảm đau khi sinh, tuy nhiên việc lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp, an toàn vẫn đang là câu hỏi thắc mắc của nhiều bà bầu về độ an toàn và hiệu quả. Bởi vậy, việc hiểu biết về các phương pháp giảm đau là cần thiết giúp bà bầu vượt qua quá trình sinh con một cách tốt nhất.
1. Phương pháp giảm đau bằng thuốc
Phương pháp dùng thuốc bao gồm: Gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống, thuốc giảm đau toàn thân đường tĩnh mạch, khí mê.
1.1 Gây tê ngoài màng cứng hay phương pháp đẻ không đau
- Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật giảm đau hiệu quả nhất và phù hợp nhất cho bà mẹ và bé đối với cả trường hợp sinh thường hay sinh mổ.
- Đặc biệt việc sử dụng thuốc tiêm giảm đau này có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau của mẹ bầu trong quá trình vượt cạn. Bác sĩ có thể điều chỉnh linh hoạt loại thuốc giảm đau, liều lượng và cường độ của thuốc như thế nào là phù hợp.
- Giảm đau ngoài màng cứng: Thủ thuật đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng vùng thắt lưng qua một ống thông nhỏ. Sản phụ tự kiểm soát việc dùng thuốc tê nhiều lần qua máy bơm tiêm điện, tác dụng sau 15-20 phút tiêm thuốc.
- Lợi ích của gây tê ngoài màng cứng: Giảm đau cho sản phụ làm sản phụ không mất sức trong quá trình chuyển dạ, không ảnh hưởng đến sức dặn của người mẹ. Không ảnh hưởng đến chỉ định sản khoa
- Giảm đau ngoài màng cứng có thể gặp một số tác dụng phụ như tụt huyết áp, buồn nôn, nhiễm trùng, đau lưng… Chống chỉ định cho người nhiễm trùng nơi tiêm, rối loạn đông máu, bệnh tim, gan nặng.
1.2 Gây tê tủy sống
Gây tê tủy sống là thủ thuật đưa thuốc tê vào khoang dưới nhện qua một cây kim rất mảnh. Tác dụng sau vài phút và kéo dài 60-120 phút, thường áp dụng cho giảm đau sinh mổ. Một số tác dụng phụ là tụt huyết áp, buồn nôn, nhiễm trùng, đau lưng…
1.3 Giảm đau toàn thân đường tĩnh mạch
Nhóm thuốc giảm đau trung ương, còn gọi là nhóm thuốc phiện, được tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch, bao gồm pethidine, morphine… Có thể ảnh hưởng gây ngầy ngật, buồn nôn ở mẹ, ức chế hô hấp ở bé, ít được khuyên dùng.
Khí entonox hay khí nitơ oxit
- Nitơ oxit, còn được gọi là khí cười, được trộn với khí oxy theo tỉ lệ 1:1 và được cung cấp cho người mẹ qua một mặt nạ hoặc một ống dẫn vào miệng. Khí này cần một vài giây để bắt đầu hoạt động, vì vậy khi cơn co thắt bắt đầu cần sử dụng mặt nạ ngay.
- Nitơ oxit không hoàn toàn làm ngừng cả cơn đau, nhưng làm giảm mức độ của các cơn co thắt. Rất nhiều phụ nữ lựa chọn nitơ oxit vì họ có thể trực tiếp điều khiển nó – sản phụ có thể tự cầm mặt nạ và hít khi cảm thấy cần.
- Nitơ oxit không can thiệp vào các cơn co thắt và nó không tồn lưu trong cơ thể của cả mẹ và con.
Những vấn đề có thể xảy ra khi sử dụng nitơ oxit bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Lẫn lộn và mất phương hướng
- Cảm giác ngột ngạt do mặt nạ
- Không giảm đau nhiều – một số trường hợp, nitơ oxit không hề có tác dụng giảm đau (gặp ở khoảng 1/3 số phụ nữ).
2. Phương pháp giảm đau không dùng thuốc
- Thư giãn bằng cách không tập trung vào cơn đau, nói chuyện với người nhà, thì thầm với bé, nghĩ đến những chuyện vui sẽ đến khi bé chào đời.
- Hít thở: Hít mũi – thở miệng hay hít miệng – thở miệng, hít sâu – thở chậm.
- Thay đổi tư thế: đi lòng vòng, vung vẩy, nếu bị hạn chế trên giường sinh nên cử động tay, chân, nằm nghiêng, ngồi.
- Xoa bóp.
- Giường nằm sinh: điều chỉnh nhiều tư thế, nằm, ngồi, dang chân, nâng cao đầu…Các loại giường hay bàn nằm sanh ở bệnh viện thuận tiện khi bạn sinh, các bác sĩ đỡ sinh, khâu tầng sinh môn…
- Tắm nước ấm, thậm chí còn ngồi hay ngâm trong bồn nước ấm. Vì nhiều lý do, phương pháp này không được triển khai ở các bệnh viện nước mình, nguyên nhân chính là vẫn chưa có chứng cứ tin cậy cho thấy có hiệu quả giảm đau và rút ngắn chuyển dạ.
- Đi lại: trong giai đoạn sớm, việc đi lại có thể làm bạn thấy dễ chịu hơn ngồi/ nằm một chỗ. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ thông báo cho bạn biết khi nào cần nằm (như để mắc monitor theo dõi bé chẳng hạn).
- Sự hỗ trợ, an ủi, động viên của người thân cũng là một liệu pháp tinh thần hữu hiệu.