Kẽm là một khoáng chất có nhiều lợi ích. Do đó, điều quan trọng đối với phụ nữ mang thai là phải biết mọi thứ về khoáng chất hữu ích này.
Bảo đảm sức khỏe của phụ nữ mang thai là điều quan trọng. Người phụ nữ trước và trong thai kỳ này là cần bổ sung đầy đủ các khoáng chất, các chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này không chỉ đảm bảo sức khỏe tốt của người mẹ mà còn đảm bảo sự phát triển thích hợp của thai nhi.
Kẽm có vai trò chính trong sự phát triển và hoạt động của cơ thể. Là một khoáng chất mang lại những lợi ích sức khỏe tốt nhất cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Kẽm có thể được tìm thấy tự nhiên trong một số loại thực phẩm hoặc cũng có thể được thêm vào chế độ ăn uống của thai phụ dưới dạng chất bổ sung.
Kẽm thường được biết đến để duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, thúc đẩy sự phát triển bình thường của cơ thể, giúp chuyển hóa DNA và cũng giúp chữa lành vết thương nhanh chóng.
Kẽm được yêu cầu với số lượng nhiều hơn bình thường trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bổ sung đủ kẽm trong thời kỳ mang thai rất quan trọng đối với sức khỏe của em bé và thai phụ.
Vai trò quan trọng của kẽm trong quá trình phân chia tế bào, tổng hợp protein và tăng trưởng có nghĩa là việc cung cấp đầy đủ kẽm là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Trong thời kỳ mang thai, tình trạng thiếu kẽm và các vi chất dinh dưỡng khác khá phổ biến do nhu cầu chất dinh dưỡng của người mẹ và thai nhi đang phát triển cần tăng lên. Những thiếu hụt này có thể tác động tiêu cực đến kết quả mang thai, bao gồm cả sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh.
1.1 Lợi ích của kẽm đối với phụ nữ mang thai
- Kẽm giúp duy trì một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ
- Ngăn ngừa nhiễm trùng trong tử cung
- Giúp cân bằng nội tiết tố
- Hỗ trợ sản xuất nhau thai
- Duy trì vị giác và khứu giác
1.2 Lợi ích của kẽm đối với sự phát triển của thai nhi
Kẽm cực kỳ quan trọng trong quá trình người mẹ mang thai, tác động đến sự phát triển của thai nhi, cần thiết cho tế bào đang trong quá trình phát triển nhanh, ngoài ra còn có vai trò:
- Tăng cường sản xuất và hoạt động DNA – bản thiết kế di truyền của cơ thể
- Cung cấp hỗ trợ cấu trúc cho các protein tạo nên tế bào
- Thai nhi cần kẽm để tăng trưởng tế bào và phát triển trí não
1.3 Bà bầu cần bao nhiêu kẽm?
Khi mang thai hoặc cho con bú, phụ nữ cần một lượng kẽm nhiều hơn bình thường một chút. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, phụ nữ có thai cần 15 – 25mg kẽm nguyên tố/ngày. Lượng kẽm hàng ngày cho phụ nữ mang thai phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tuổi tác và tình trạng thiếu hụt kẽm được đánh giá qua xét nghiệm. Tuy nhiên, việc chỉ định bổ sung kẽm luôn được các chuyên gia dinh dưỡng, các bác sĩ khuyến khích tăng cường qua chế độ ăn đa dạng thực phẩm, ăn các loại thực phẩm giàu kẽm, thực hiện những thói quen ăn uống có lợi cho hấp thụ kẽm…
1.4 Dấu hiệu thiếu, thừa kẽm khi mang thai
Sự hiện diện của kẽm trong cơ thể cần được kiểm soát bởi dư thừa kẽm có thể dẫn đến nôn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc thậm chí đau bụng. Một người trưởng thành không nên nạp quá 40mg kẽm trong thời gian một ngày. Thai phụ có thể nhận biết dấu hiệu như sau:
Dư thừa kẽm khi mang thai có thể dẫn đến nôn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc thậm chí đau bụng.
Các dấu hiệu thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai: Khứu giác suy yếu. Thai phụ có cảm giác chán ăn. Thiếu khả năng miễn dịch với dị ứng, nhiễm trùng và làm suy giảm sự phát triển của thai nhi.
2. Thực phẩm tốt nhất bổ sung kẽm khi mang thai
Các loại hạt: Hầu hết các loại hạt đều là nguồn cung cấp kẽm dồi dào. Các loại hạt như vừng, cây gai dầu, mù tạt, bí ngô, hạt chia, hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, quả óc chó… là nguồn cung cấp kẽm tuyệt vời.
Ngũ cốc nguyên hạt: Bà bầu có thể nhận được lượng kẽm từ ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, yến mạch và gạo. Tuy nhiên, ngũ cốc có chứa một chất kháng dinh dưỡng gọi là phytate, làm giảm sự hấp thụ kẽm của cơ thể.
Các loại thịt: Tất cả các loại thịt đều có lượng kẽm dồi dào. Hãy ăn thịt gia cầm bỏ da hoặc thịt nạc với ít chất béo hơn để có đủ lượng kẽm.
Sữa ít béo và sữa chua: Các sản phẩm từ sữa có rất nhiều canxi và cũng đồng thời chứa kẽm. Uống sữa hoặc sữa chua hàng ngày có thể bổ sung nhu cầu kẽm của bà bầu. Một cốc sữa chua nguyên chất ít béo chứa 2,2mg kẽm.
Các loại đậu: Các loại đậu có một lượng kẽm dồi dào. Tuy nhiên, cũng như ngũ cốc, sự hấp thụ kẽm có trong các loại đậu ít hơn, vì trong các loại đậu có chất kháng dinh dưỡng, phytates.
Hải sản: Hàu là lựa chọn tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu về kẽm của phụ nữ mang thai. Một con hàu cỡ trung bình chứa khoảng 5,3mg kẽm. Hàu thực sự là nguồn thực phẩm giàu kẽm nhất – chỉ cần hai con có thể cung cấp nhiều hơn lượng khuyến nghị cho cả ngày. Nhưng các chuyên gia lưu ý không nên ăn hàu sống trong khi mang thai (hoặc bất kỳ thịt, thịt gia cầm, động vật có vỏ, cá hoặc trứng sống hoặc nấu chưa chín) vì có nguy cơ mắc bệnh truyền qua thực phẩm. Hơn nữa, hàu có thể được thu hoạch từ một số khu vực có chứa hàm lượng thủy ngân cao. Tôm hùm và cua cũng có một lượng lớn kẽm.
3. Lời khuyên của bác sĩ
Bổ sung kẽm khi mang thai: Phụ nữ mang thai ăn không đủ chất như thịt, hải sản… có nguy cơ bị thiếu kẽm. Khi chế độ ăn uống bình thường không đủ nhu cầu kẽm của cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung các viên bổ sung kẽm.
Kẽm như một chất bổ sung thường có ba dạng, tức là chất bổ sung qua đường uống, dạng xịt mũi và ở dạng vitamin trước khi sinh. Đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ khuyên nên ưu tiên các loại vitamin trước khi sinh. Phụ nữ mang thai chỉ nên dùng viên kẽm trong thai kỳ cùng với thức ăn theo chỉ định của bác sĩ. Việc bổ sung kẽm có thể dẫn đến khó chịu cho dạ dày nếu chỉ dùng riêng viên kẽm.
Bổ sung kẽm khi mang thai đảm bảo duy trì tình trạng sức khỏe bình thường của người mẹ và thai nhi. Tuy nhiên hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để có các khuyến nghị về chế độ ăn uống phù hợp và lựa chọn bổ sung khi thai phụ lo lắng về việc có thiếu kẽm hay không.