Quá trình mang thai đòi hỏi người phụ nữ phải cung cấp 1 nguồn dinh dưỡng đủ và đa dạng để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Vậy một số loại trái cây, đặc biệt là chuối có ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu? Mẹ bầu có nên ăn chuối không?
1. Thành phần dinh dưỡng có trong chuối
Chuối là 1 trong những loại trái cây rất phổ biến, dễ ăn và dễ kiếm. Chuối được trồng nhiều ở các nước có khí hậu nhiệt đới, nhiều nhất ở vùng Đông Nam Á. Thành phần dinh dưỡng chính trong chuối bao gồm:
- Chất xơ, tinh bột: Chuối xanh có nhiều tinh bột hòa tan là một chất giúp giảm đường máu, tăng sự đề kháng insulin, giúp no lâu hơn, là thực phẩm có thể sử dụng trong giảm cân. Chuối chín tinh bột chuyển thành các loại đường (glucose, fructose). Trong 100g chuối chín thường chứa khoảng 136 calo, tuy ít nhưng hàm lượng chất xơ tốt (pectin) giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, hỗ trợ quá trình giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Vitamin A: Nhiều nhất là beta caroten giúp tăng cường chức năng thị giác, ngăn ngừa quá trình oxy hóa tế bào, chống lão hóa, hỗ trợ làm đẹp.
- Vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6): hàm lượng cao vitamin B6 đóng vai trò như một coenzym tham gia quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng cho tế bào.
- Các khoáng chất kali, magie, mangan, đồng: Hỗ trợ chức năng hệ tim mạch, cải thiện sức khỏe cơ bắp, bổ sung yếu tố vi lượng cho các hoạt động sống. Ăn chuối tốt cho mẹ bầu và tốt cho chức năng sinh lý ở nam.
2. Mẹ bầu có nên ăn chuối không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chuối là một trong những loại trái cây giàu dinh dưỡng và khoáng chất tốt cho thai kỳ. Ăn chuối trong quá trình mang thai đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ đảm bảo nguồn dinh dưỡng và sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
- Các chất bột đường, canxi, magie là chất thiết yếu cung cấp dinh dưỡng để phát triển thai nhi.
- Mẹ bầu ăn chuối giúp dễ tiêu hóa hơn, chuối có vị ngon, ngọt nhẹ dễ ăn. Ăn chuối hàng ngày giúp mẹ thư giãn hơn, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Chuối cũng giúp cải thiện tình trạng buồn nôn do ốm nghén vào những tháng đầu thai kỳ.
- Nhóm vitamin B trong đó có acid folic (vitamin B9) giúp phòng ngừa các dị tật ở não và cột sống ở thai nhi. Trong 100g chuối chứa khoảng 20 mcg acid folic, cung cấp đủ 400-1000 mcg Axit folic mỗi ngày để đảm bảo dinh dưỡng phát triển cho thai nhi.
- Vitamin B6 giúp tăng cường dẫn truyền thần kinh, trao đổi chất ở mẹ, hình thành các tế bào hồng cầu ở thai nhi. Vitamin B12 cần thiết cho sự hình thành ống thần kinh, phát triển não bộ ở trẻ.
- Chất xơ trong chuối giúp hấp thụ nước, làm mềm phân, giảm táo bón ở mẹ bầu, điều hòa hệ vi sinh ở đường ruột, kìm hãm sự phát triển các vi khuẩn có hại, tăng cường các lợi khuẩn. Mẹ bầu ăn chuối mỗi ngày cũng có thể phòng ngừa tình trạng thiếu máu.
- Phụ nữ mang thai cần bổ sung canxi từ nhiều nguồn để đáp ứng nhu cầu canxi cho sự phát triển xương ở thai nhi. Hàm lượng canxi trong chuối cũng giúp mẹ giảm nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, giảm chuột rút, giảm nguy cơ sinh non và nhẹ cân ở trẻ.
- Năng lượng trong chuối đến từ hàm lượng protein giúp mẹ bầu hoạt động, làm việc tốt, tránh tình trạng mệt mỏi, kiệt sức. Càng về những tháng sau của thai kỳ, lượng protein cung cấp cho cơ thể càng phải tăng do đó có thể sử dụng chuối trong các bữa ăn phụ để tăng cường năng lượng.
- Ngoài ra, chuối cũng chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng chống lại một số loại vi sinh vật gây bệnh.
3. Mẹ bầu ăn chuối nhiều có tốt không?
Chuối mang lại rất nhiều lợi ích cho phụ nữ có thai, tuy nhiên mẹ bầu ăn chuối quá nhiều cũng gây một số tác dụng không mong muốn ở phụ nữ mang thai:
- Gây đau đầu: Hàm lượng Tyramine trong chuối chín làm giãn mạch, ngăn cản sự hấp thụ serotonin gây ra chứng đau đầu nếu ăn quá nhiều.
- Đái tháo đường thai kỳ: Lượng đường trong chuối lớn có thể ảnh hưởng đến đường máu của mẹ, tuy nhiên tình trạng này không quá nghiêm trọng nếu không sử dụng chuối quá chín với số lượng nhiều trong ngày.
- Mặc dù hiếm gặp nhưng mẹ bầu ăn chuối nhiều có thể gây tình trạng dư thừa chất dinh dưỡng, gây ra tê tay chân (do dư vitamin B6), gây phù chân ảnh hưởng sức khỏe tim mạch (do dư magie, kali).
- Một số mẹ có cơ địa dễ dị ứng có thể có các phản ứng dị ứng với thành phần chitinase có trong mủ của chuối.
4. Một số lưu ý khi sử dụng chuối ở phụ nữ mang thai
- Chỉ nên ăn 1 – 2 quả/ngày là đủ cung cấp dinh dưỡng cho mẹ bầu. Có thể ăn chuối chín ngay khi lột vỏ, sử dụng chuối làm sinh tố hay ăn kèm với các loại ngũ cốc, sữa chua,… Tuy nhiên, không nên chế biến chuối thành những món quá ngọt làm tăng lượng đường nạp vào cơ thể.
- Không ăn các loại chuối đã quá chín, có mảng đen trên vỏ, chuối để lâu ngày hay đã lên men. Không bảo quản chuối trong tủ lạnh hoặc trữ đá sẽ làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của chuối.
- Hạn chế ăn chuối xanh chế biến thành thức ăn hàng bởi chất xơ và pectin trong chuối xanh có thể gây ra chứng đầy hơi, táo bón và chướng bụng,…
- Ăn chuối vào các bữa phụ, sau ăn sáng hoặc sau ăn trưa 2 tiếng, không ăn lúc đói vì magie trong chuối vào cơ thể sẽ làm mất sự cân bằng chất khoáng ở hệ tim mạch, ảnh hưởng đến nhịp tim.
- Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ không nên ăn chuối. Tuy lượng đường trong chuối không nhiều nhưng có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu đang có glucose máu cao.
Như vậy, chuối là một loại trái cây rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Tuy nhiên, nên sử dụng chuối đúng cách, không ăn quá nhiều để đề phòng các tác dụng không mong muốn cho cơ thể.