Bà bầu mang thai tuần 35 thường cảm thấy mắc tiểu do sự thay đổi ngôi thai, gây chèn ép lên bàng quang. Những triệu chứng hay gặp ở bà bầu tuần 35 bao gồm: suy tĩnh mạch, viêm da, xuất hiện những cơn gò chuyển dạ “giả”.
1. Mang thai tuần 35 có gì đặc biệt?
Đối với thai nhi tuần 35, phổi đã phát triển gần như hoàn chỉnh. Các lớp mỡ dưới da vẫn tiếp tục được hình thành để làm nhiệm vụ giữ ấm bé, kể cả sau khi chào đời.
Khi bà bầu mang thai tuần 35, khả năng chuyển dạ sớm có thể xảy ra. Do đó, thai phụ và gia đình nên trang bị đầy đủ kiến thức về dấu hiệu chuyển dạ để kịp thời xử lý trong tình huống nguy cấp. Bên cạnh đó, nên chuẩn bị tất cả những đồ dùng và thiết bị cần thiết cho em bé, chẳng hạn như quần áo trẻ em, ghế ngồi cho bé trên xe ô tô, đồ địu bé để giúp người mẹ vượt qua vài tuần đầu tiên cùng với “thành viên mới” trong gia đình.
2. Cơ thể bà bầu tuần 35 thay đổi như thế nào?
Bà bầu tuần 35 thường gặp tình trạng liên tục cảm thấy mắc tiểu. Nguyên nhân là do sự thay đổi của ngôi thai để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, trong đó phổ biến nhất là ngôi thai đầu. Phần đầu em bé trong tuần thai này hướng về phía âm hộ, tạo áp lực lên bàng quang của mẹ, gây ra cảm giác mắc tiểu liên tục trong ngày.
Hiện tượng này đôi lúc khiến cho phụ nữ mang thai tuần 35 không thể kiềm chế được nhu cầu đi tiểu, mất kiểm soát cơ bàng quang, dẫn đến rỉ nước tiểu mỗi khi ho, hắt hơi hoặc thậm chí khi cười. Với tình trạng này, thai phụ không nên giảm uống nước hay thực hiện bất kỳ biện pháp nào để giảm lượng nước tiểu. Thay vào đó, nên thực hiện bài tập thể dục để tăng cường sức khỏe cơ, như bài tập Kegel (giúp tăng cường sức mạnh của cơ xương chậu, ngăn ngừa và khắc phục hầu hết các trường hợp đi tiểu không tự chủ, hoặc có thể dùng thêm băng vệ sinh nếu cần thiết.
3. Triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 35
- Nhức đầu, chóng mặt
Bà bầu tuần 35 đôi khi gặp phải tình trạng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt vì một số nguyên nhân như cơ thể quá nóng, hoặc ở trong phòng quá ngột ngạt, khó thở. Để ngăn ngừa triệu chứng này, thai phụ nên chú trọng nghỉ ngơi, ra ngoài không gian thoáng đãng, hoặc mở cửa sổ thông gió. Bên cạnh đó, thai phụ có thể dùng thuốc giảm đau đầu thích hợp cho phụ nữ mang thai.
- Suy tĩnh mạch
Suy tĩnh mạch chân khiến cho đôi chân của bà bầu bị sưng, đau, ngứa, đặc biệt vào tuần thai 35, khi thai đã to, gây ra áp lực lớn lên đôi chân thì tình trạng suy tĩnh mạch ngày càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, sau khi sinh thì tình trạng này sẽ dần được cải thiện.
- Bệnh trĩ
Mang thai đến tuần 35, áp lực từ bào thai phát triển ngày càng to, cùng với sự gia tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu, khiến cho các tĩnh mạch ở thành trực tràng bị giãn ra, sưng phồng lên, gây ngứa, thậm chí gây ra bệnh trĩ đối với những thai phụ bị táo bón lâu ngày.
Để làm giảm tình trạng này, thai phụ nên tránh bị táo bón bằng cách bổ sung nhiều chất xơ, uống nhiều nước. Ngoài ra, thay đổi tư thế, tránh ngồi một chỗ, tắm với nước ấm cũng giúp bà bầu tuần 35 khắc phục bệnh trĩ.
- Đau và chảy máu nướu răng
Nướu răng cũng có thể bị sưng đau, ửng đỏ, nhạy cảm và dễ bị chảy máu trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là khi người mẹ chải răng mạnh hoặc dùng chỉ nha khoa. Hiện tượng này được xem là bình thường và sẽ khắc phục hoàn toàn sau khi sinh. Để tăng cường sức khỏe răng miệng, bà bầu nên bổ sung vitamin C thông qua trái cây, các loại quả mọng, và chú ý vệ sinh răng miệng đầy đủ.
- Viêm da
Bệnh viêm da và kích ứng da ở bà bầu là bệnh lý gây ra do sự thay đổi nội tiết thai kỳ. Điển hình của bệnh là chứng mề đay sẩn ngứa, hay còn gọi là chứng phát ban đa dạng, xuất hiện ở 0,25 – 1% số phụ nữ mang thai. Cách điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng bằng các thuốc đặc trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Hay quên
Bà bầu mang thai tuần 35 thường mắc chứng hay quên do sự tác động của nhiều nguyên nhân, bao gồm nội tiết tố, cảm xúc, tâm lý, thể trạng,… Tuy nhiên, tình trạng này sẽ cải thiện trong vài tháng sau khi sinh em bé.
- Cơn gò chuyển dạ “giả”
Trước khi dấu hiệu chuyển dạ thật sự diễn ra, bà bầu trong tuần thai 35 thường gặp phải những cơn gò chuyển dạ “giả”, còn gọi là cơn co thắt Braxton Hicks, với mức độ ngày càng tăng dần và mạnh dần. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai lần đầu có thể không nhận thấy biểu hiện co thắt này.
4. Lời khuyên cho bà bầu tuần 35
4.1. Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng
Mang thai tuần 35 nghĩa là ngày dự sinh đã gần kề. Do đó, thai phụ và người thân cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và những kiến thức cần thiết về dấu hiệu chuyển dạ để khi gặp tình huống khẩn cấp có thể đưa người mẹ nhập viện kịp thời.
4.2. Giảm chứng ợ nóng
Bà bầu trong tuần thai này nên ngồi thẳng khi ăn, và cố gắng giữ tư thế như vậy trong 1 – 2 giờ sau bữa ăn. Nên ăn chậm, nhai kỹ, càng nhai kỹ thì quá trình tiêu hóa thức ăn càng diễn ra dễ dàng, dạ dày càng làm việc ít hơn. Ngoài ra, bà bầu có thể nhai kẹo cao su không đường sau khi ăn để làm tăng nước bọt tạm thời, giúp trung hòa axit dạ dày trong thực quản (tuy nhiên không nên lạm dụng, vì ăn quá nhiều kẹo cao su không đường có thể gây ra những vấn đề khác đối với hệ tiêu hóa). Bên cạnh đó, bà bầu cần hạn chế dùng các loại thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, nước uống có ga,…
4.3. Tập thể dục đều đặn
Khi người mẹ tập luyện, em bé trong bụng cũng được kích thích một cách tích cực, thông qua sự thay đổi về nhịp tim, nồng độ oxy, cũng như những âm thanh và chuyển động khi mẹ thực hiện các động tác thể dục.
4.4. Học sơ cấp cứu cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh là đối tượng rất nhạy cảm đối với những tác động từ môi trường. Do đó, biết cách sơ cấp cứu cho trẻ sơ sinh sẽ giúp ích cho người mẹ trong trường hợp em bé gặp phải tình trạng nguy kịch, cần cấp cứu khẩn cấp.
4.5. Tìm hiểu các phương pháp giảm đau khi đẻ
Ngành y tế ngày càng phát triển đã cho phép phụ nữ mang thai tiếp cận đến những dịch vụ mới, giúp giảm đau tối đa khi sinh, thậm chí người mẹ có thể không cảm thấy bất kỳ cơn đau nào trong toàn bộ quá trình sinh mà vẫn tỉnh táo để có thể chào đón con yêu chào đời.