THIẾU MÁU THIẾU SẮT KHI MANG THAI: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU

Thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai được xem là mối đe dọa nghiêm trọng trong sản khoa, có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cách tốt nhất để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là bổ sung đầy đủ sắt thông qua chế độ ăn hàng ngày.

Thiếu sắt khi mang thai là gì?

Thiếu sắt khi mang thai là hiện tượng cơ thể mẹ không có đủ sắt làm nguyên liệu sản xuất hồng cầu dẫn đến thiếu máu. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoảng 36,8% phụ nữ Việt Nam bị thiếu máu khi mang thai, trong đó 75% trường hợp thiếu máu do thiếu sắt. Hơn 90% trường hợp thiếu máu khi mang thai phát triển trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ).

cơ thể con người sử dụng chất sắt để tạo ra hemoglobin – một loại protein có trong tế bào hồng cầu đảm nhận nhiệm vụ mang oxy đến các mô. Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ cần gấp đôi lượng sắt so với bình thường để tạo ra nhiều máu hơn, bởi lúc này không chỉ cung cấp oxy cho mẹ mà còn cho cả thai nhi.

Vì thế, nếu trước khi mang thai phụ nữ không đủ lượng sắt dự trữ hoặc khi mang thai không bổ sung đủ lượng sắt cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, phụ nữ khi phát hiện mang thai nên uống ngay viên bổ sung sắt mỗi ngày, duy trì uống đến sau khi sinh 1 tháng, liều lượng là 30-60mg sắt và 400-800mcg axit folic mỗi ngày. Kết hợp thêm chế độ ăn uống khoa học từ các loại thực phẩm giàu sắt và axit folic cho phụ nữ mang thai.

Thiếu sắt có thể gây nên bệnh gì
Thiếu sắt có thể gây nên bệnh gì

Vì sao cần phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt khi mang thai?

Như đã chia sẻ, nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai sẽ tăng lên gấp đôi so với người bình thường để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi, nhau thai và tăng khối lượng hồng cầu ở mẹ.

Khi mang thai, tim của mẹ phải hoạt động nhiều hơn bình thường để cung cấp máu đến nuôi dưỡng thai nhi. Bên cạnh đó, thể tích máu cũng tăng lên 30-50% so với bình thường, đòi hỏi cơ thể mẹ phải dung nạp thêm nhiều sắt và axit folic để tạo ra nhiều máu hơn, đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Nếu cơ thể mẹ không đủ sắt sẽ kéo theo lượng huyết sắc tố giảm. Điều này làm giảm cung cấp oxy đến các cơ quan và tế bào, từ đó gây ra nhiều vấn đề sức khỏe ở cả mẹ và thai nhi.

Sắt giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành hồng cầu và tạo nên enzym hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Thiếu sắt gây thiếu máu và mệt mỏi ở người bình thường, nhưng ở phụ nữ mang thai thiếu sắt còn gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của thai nhi.

Ngoài ra, sắt còn có tác dụng làm tăng cảm giác ngon miệng. Thiếu sắt khi mang thai khiến mẹ không muốn ăn, giảm cảm giác ngon miệng, không ngủ được, mệt mỏi vì không có oxy lên não và các tế bào trong cơ thể. Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, sức đề kháng của mẹ giảm sút làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi sinh ra, tiềm ẩn nguy cơ thiếu máu thiếu sắt giống mẹ, không có sức khỏe và đề kháng tốt.

Nguyên nhân thiếu sắt khi mang thai

Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai chủ yếu là do chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ nhu cầu khuyến nghị. Một điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy, lượng sắt và axit folic trong khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu khuyến nghị.

Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng dễ bị thiếu máu thiếu sắt khi mang thai. Hoặc tình trạng ốm nghén, mệt mỏi trong thai kỳ cũng dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Ngoài ra, phụ nữ có các yếu tố sau sẽ tăng nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt khi mang thai, bao gồm:

  • Khoảng cách giữa hai lần mang thai quá gần nhau.
  • Mang đa thai.
  • Nôn mửa thường xuyên do ốm nghén.
  • Không bổ sung đủ liều lượng sắt cần thiết khi mang thai.
  • Có tiền sử cường kinh (chu kỳ kinh nguyệt có máu kinh ra nhiều hơn bình thường) trước khi mang thai.
  • Có tiền sử thiếu máu trước khi mang thai.

Dấu hiệu thiếu sắt ở bà bầu

Các triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai gồm có:

  • Mệt mỏi.
  • Yếu người.
  • Chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Đau đầu.
  • Da nhợt nhạt hoặc vàng.
  • Hụt hơi.

Trường hợp thiếu máu trầm trọng có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Nhịp tim nhanh.
  • Huyết áp thấp.
  • Khó tập trung.

Tuy nhiên, các dấu hiệu của thiếu máu do thiếu sắt ở bà bầu thường không đặc hiệu và tương tự với các biểu hiện của mang thai. Do đó, bất kể có triệu chứng hay không, phụ nữ mang thai vẫn được chỉ định làm xét nghiệm máu để sàng lọc bệnh thiếu máu trong thai kỳ.

Biến chứng bà bầu có thể gặp phải khi thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều chỉnh kịp thời có thể gây ra những kết cục xấu cho cả mẹ và thai nhi. Cụ thể như sau:

  • Đối với mẹ: Phụ nữ mang thai bị thiếu máu do thiếu sắt dễ bị sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Trong đó, băng huyết sau sinh cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người mẹ.
  • Đối với thai nhi: Trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ bị thiếu máu thiếu sắt khi mang thai rất dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, suy thai, sinh non tháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh sơ sinh hơn so với các trẻ có mẹ bình thường. Trẻ sơ sinh bị thiếu máu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Nguyên do bởi sự thiếu hụt sắt từ sớm sẽ tác động tiêu cực đến các tế bào oligodendrocyte, làm thay đổi quá trình myelin hóa, từ đó gây ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh.

Chẩn đoán và điều trị thiếu sắt ở bà bầu như thế nào?

WHO định nghĩa thiếu máu ở phụ nữ mang thai khi nồng độ hemoglobin thấp hơn 11g/dL vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện xét nghiệm công thức máu khi bắt đầu mang thai và lặp lại ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ nếu cần thiết.

Với những mẹ được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt khi mang thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách cải thiện bằng chế độ ăn uống khoa học kết hợp chỉ định liều lượng bổ sung thích hợp tùy từng trường hợp cụ thể.

Một số mẹ sử dụng thuốc bổ sung sắt gặp các tác dụng phụ như buồn nôn hoặc táo bón. Nếu cảm thấy việc uống viên bổ sung gây tác dụng phụ khó chịu hoặc không cải thiện nồng độ hemoglobin, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi sang loại thuốc khác phù hợp hơn.

Những trường hợp thiếu máu nặng cần phải điều trị tại viện 2-3 tháng bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch để đảm bảo lượng máu cần thiết ở mức ổn định cho mẹ.

Nếu bạn đã trải nghiệm và hài lòng với dịch vụ khám phụ khoa ở Thanh Hoá của chúng tôi, xin hãy mách nhỏ với bạn bè và người thân của mình. Trong trường hợp chưa hài lòng về dịch vụ đã nhận, xin vui lòng cho chúng tôi biết vấn đề của bạn qua:
Cơ sở 1: 400 Hải Thượng Lãn Ông – TP Thanh Hóa.
Cơ sở 2: 440 Trần Phú – TP Thanh Hóa.
Hotline/Zalo: 0919.329.400.
Website: 400clinic.com
Tiktok: @Phongkham400thanhhoa
Bạn cũng có thể đặt lịch hẹn nhanh chóng qua các kênh liên hệ trên nhé!
Phòng khám 400 Sản Phụ khoa & KHHGĐ
Chất lượng & sự hài lòng