Testosterone là gì? Ảnh hưởng của Testosterone tới sức khỏe nam giới

Nội tiết tố nam Testosterone có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các đặc điểm thể chất và sinh lý điển hình ở nam giới, chẳng hạn như sức mạnh của cơ bắp hay chức năng sinh dục sau tuổi dậy thì. Vậy Testosterone là gì và ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nam giới?

1. Testosterone là gì?

Testosterone là nội tiết tố quan trọng đối với nam giới. Kể từ khi tìm ra hormone Testosterone, các nhà khoa học đã vô cùng bất ngờ về vai trò “nhạc trưởng” của nội tiết tố này đối với sức khỏe nam giới. Đối với các quý ông, Testosterone không chỉ giúp cho đời sống tình dục trở nên viên mãn mà còn hoàn thiện sức khỏe nền tảng của phái mạnh, bao gồm các cơ quan của hệ tuần hoàn, hô hấp, tiết niệu, xương khớp, thần kinh và não bộ. Nồng độ Testosterone được đo bằng xét nghiệm máu và sự thay đổi chỉ số này liên quan đến các vấn đề quan trọng đối với sức khỏe của nam giới.

2. Testosterone được sinh ra ở đâu?

Testosterone ở nam giới được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn (chiếm đến 95%) và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận (khoảng 4%). Ở phụ nữ, tuyến thượng thận và buồng trứng là nơi sản xuất testosterone (một lượng nhỏ). Thời điểm testosterone bắt đầu được sản xuất sớm nhất thường rơi vào tuần thứ bảy sau khi thụ thai. Nồng độ testosterone tăng dần trong giai đoạn dậy thì và đạt mức đỉnh điểm trong những năm cuối tuổi thiếu niên, sau đó chững lại. Testosterone ở nam giới trưởng thành được phóng thích khoảng 4 – 10 mg/ngày. Từ 30 tuổi trở đi, lượng Testosterone có xu hướng giảm nhẹ mỗi năm.

Sự thay đổi của Testosterone theo độ tuổi
Sự thay đổi của Testosterone theo độ tuổi

3. Vai trò của testosterone ở nam giới

Testosterone có vai trò quan trọng đối với hầu hết mọi chức năng của nam giới, từ hệ thống sinh sản và tình dục đến khối cơ và mật độ xương:

3.1. Hệ thống nội tiết

Hệ thống nội tiết của cơ thể bao gồm các tuyến sản xuất hormone. Vùng dưới đồi trong não có nhiệm vụ báo hiệu cho tuyến yên biết cơ thể cần bao nhiêu Testosterone. Tuyến yên sau đó gửi tín hiệu đến tinh hoàn để kích thích sự sản xuất Testosterone. Hầu hết Testosterone được sản xuất trong tinh hoàn, nhưng một lượng nhỏ đến từ tuyến thượng thận, nằm ngay phía trên thận.

Testosterone bắt đầu hoạt động ngay cả khi cơ thể chưa được sinh ra đời. Lúc này, Testosterone có vai trò trong sự hình thành bộ phận sinh dục nam. Ở tuổi dậy thì, Testosterone chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các thuộc tính nam như giọng nói trầm hơn, kích thích mọc râu và lông trên cơ thể. Ngoài ra, Testosterone cũng thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp và hình thành cảm giác “ham muốn tình dục”.

3.2. Hệ thống sinh sản

Bộ phận sinh dục nam được hình thành vào khoảng tuần thai thứ bảy với sự tác động của Testosterone. Ở tuổi dậy thì, khi nồng độ Testosterone tăng lên, tinh hoàn và dương vật phát triển mạnh mẽ. Tinh hoàn tạo ra một lượng testosterone ổn định và cung cấp tinh trùng mới mỗi ngày.

Nếu lượng Testosterone thấp có nguy cơ bị rối loạn chức năng cương dương. Bên cạnh đó, nếu sử dụng liệu pháp Testosterone dài hạn có thể gây giảm sản xuất tinh trùng. Liệu pháp Testosterone cũng có thể gây phì đại tuyến tiền liệt và khiến tinh hoàn nhỏ hơn, mềm hơn. Ngoài ra, nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú không nên thực hiện liệu pháp thay thế Testosterone.

3.3. Khả năng tình dục

Ở độ tuổi dậy thì, nồng độ Testosterone ở nam giới tăng cao, kích thích sự phát triển và hoàn thiện của tinh hoàn, dương vật và lông mu. Giọng nói trở nên trầm hơn, cơ bắp và lông trên cơ thể phát triển. Cùng với đó, ham muốn tình dục ngày càng tăng cao.

Nam giới có lượng Testosterone thấp có khả năng bị mất ham muốn tình dục. Sự kích thích tình dục hay hoạt động tình dục khiến nồng độ Testosterone tăng cao. Testosterone có thể giảm trong một thời gian dài không hoạt động tình dục.

3.4. Hệ thần kinh trung ương

Cơ thể chúng ta có một hệ thống kiểm soát Testosterone, gửi tín hiệu thông qua các hormone và chất hóa học đặc hiệu trong máu. Vùng dưới đồi trong não là nơi cho tuyến yên biết cần bao nhiêu Testosterone và tuyến yên sẽ chuyển thông tin đó đến tinh hoàn.

Testosterone có một vai trò cần thiết trong một số hành vi nhất định, bao gồm sự hung hăng và khả năng lãnh đạo. Bên cạnh đó, Testosterone cũng là thước đo khả năng cạnh tranh và giúp tăng cường lòng tự trọng. Tương tự như cơ chế hoạt động tình dục có thể ảnh hưởng đến nồng độ testosterone, việc tham gia vào các hoạt động cạnh tranh có khả năng khiến mức độ testosterone của người đàn ông tăng, hoặc giảm. Testosterone thấp dẫn đến mất tự tin, gây rối loạn giấc ngủ, thiếu năng lượng và giảm động lực. Chưa hết, tình trạng này còn làm giảm khả năng tập trung và gây ra cảm giác buồn bã.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Testosterone chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến đặc điểm tính cách. Các yếu tố khác từ sinh học và môi trường cũng có sự tác động nhất định.

3.5. Da và tóc

Khi đến độ tuổi trưởng thành, Testosterone thúc đẩy sự phát triển của tóc trên đầu, cũng như lông ở nách và xung quanh bộ phận sinh dục. Lông cũng xuất hiện trên cánh tay, chân và ngực.

Testosterone thấp có thể khiến quý ông mất đi một phần lông trên cơ thể.

3.6. Cơ bắp, chất béo và xương

Testosterone là một trong những yếu tố liên quan đến sự phát triển của các khối cơ và sức mạnh của chúng. Testosterone làm tăng dẫn truyền thần kinh, kích thích sự tăng trưởng mô. Ngoài ra, nó cũng tương tác với các thụ thể trong gen, dẫn đến sự tổng hợp protein. Testosterone làm tăng nồng độ của hormone tăng trưởng, giúp cho việc luyện tập ở nam giới có nhiều khả năng cải thiện cơ bắp.

Bên cạnh đó, Testosterone còn làm tăng mật độ xương và có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu từ tủy xương. Những quý ông có lượng testosterone đạt mức rất thấp có nhiều khả năng bị chấn thương và gãy xương.

Testosterone cũng đóng vai trò cần thiết trong chuyển hóa chất béo, giúp nam giới tiêu thụ chất béo hiệu quả hơn. Giảm nồng độ Testosterone dẫn đến tình trạng tăng mỡ thừa trong cơ thể.

3.7. Hệ thống tuần hoàn

Testosterone được vận chuyển trong máu đi khắp cơ thể. Do đó, cách duy nhất để xác định nồng độ Testosterone là làm xét nghiệm máu.

Một số nghiên cứu cho rằng Testosterone có thể có tác động tích cực đến tim. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khác lại cho thấy Testosterone có tác động không tốt đến lượng cholesterol, chỉ số huyết áp và khả năng đông máu. Vì vậy, khi đề cập đến tác dụng của Testosterone đối với tim, các nghiên cứu gần đây cho kết quả mâu thuẫn nhau và chưa thống nhất.

Có thể nói, bản lĩnh đàn ông nằm trong từng chiếc “chìa khóa Testosterone”. Do đó, để tăng cường lượng Testosterone ở nam giới, phái mạnh cần thực hiện một lối sống lành mạnh, kiên trì và kỷ luật.

Nếu bạn đã trải nghiệm và hài lòng với dịch vụ khám phụ khoa ở Thanh Hoá của chúng tôi, xin hãy mách nhỏ với bạn bè và người thân của mình. Trong trường hợp chưa hài lòng về dịch vụ đã nhận, xin vui lòng cho chúng tôi biết vấn đề của bạn qua:
Cơ sở 1: 400 Hải Thượng Lãn Ông – TP Thanh Hóa.
Cơ sở 2: 440 Trần Phú – TP Thanh Hóa.
Hotline/Zalo: 0919.329.400.
Website: 400clinic.com
Tiktok: @Phongkham400thanhhoa
Bạn cũng có thể đặt lịch hẹn nhanh chóng qua các kênh liên hệ trên nhé!
Chất lượng & sự hài lòng
`