Đau vùng chậu là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý liên quan đến các cơ quan sinh sản, đường tiết niệu cũng như là đường tiêu hóa. Để điều trị các cơn đau ở vùng chậu, bệnh nhân cần được kiểm tra tình trạng sức khoẻ và tìm ra nguyên nhân dẫn đến các cơn đau. Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về triệu chứng này và những điều cần lưu ý.
1. Đau vùng chậu là bệnh gì?
Sự đau nhức ở phần bên phải hoặc bên trái của cơ quan sinh sản được gọi là đau vùng chậu. Đau vùng chậu thường là một triệu chứng của một bệnh lý khác nhau. Việc tìm hiểu nguyên nhân của đau vùng chậu là bước đầu tiên để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân cơn đau mới xuất hiện hay đã kéo dài từ trước. Các cơn đau mới xuất hiện, đặc biệt là đau ở mức độ nặng, được gọi là đau cấp tính. Trong khi đó, cơn đau kéo dài hơn 6 tháng sẽ được gọi là mãn tính.
Bệnh nhân có thể cảm thấy đau dữ dội hoặc âm ỉ, đau liên tục hoặc đau từng cơn ngắt quãng. Ngoài ra, cảm giác đau có thể tăng khi di chuyển hoặc trong lúc quan hệ tình dục. Việc đi vệ sinh cũng trở nên khó khăn hơn khi cơn đau xuất hiện, mức độ đau có thể nhẹ, vừa hoặc nặng.
2. Nguyên nhân gây ra đau vùng chậu
Bệnh nhân có thể gặp đau vùng xương chậu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ quan sinh sản của bệnh nhân, cũng như một số bộ phận của đường tiết niệu và đường tiêu hóa, đều nằm gần khu vực vùng chậu. Bất kỳ cơ quan nào trong số đó gặp vấn đề cũng đều có thể là nguyên nhân gây ra bệnh
2.1. Đau vùng chậu do các cơ quan sinh sản
Một số nguyên nhân phổ biến gây đau vùng chậu bao gồm đau do kinh nguyệt hoặc do quá trình rụng trứng. Các tình trạng nguy hiểm hơn và cần điều trị ngay lập tức:
- Thai ngoài tử cung.
- Sảy thai.
- Bệnh lạc nội mạc tử cung (endometriosis).
- Nang ở buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
- Bệnh viêm nhiễm vùng chậu.
- Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI).
2.2. Nguyên nhân gây đau vùng chậu khác
Bệnh nhân có thể gặp đau ở khu vực vùng chậu do các nguyên nhân khác, không liên quan đến hệ sinh sản, bao gồm:
- Viêm ruột thừa.
- Viêm túi thừa.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Táo bón.
- Sỏi thận.
3. Các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây đau vùng chậu
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng đau ở vùng xương chậu, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây đau bằng cách tìm hiểu rõ về triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân.
Ngoài ra, để xác định vị trí của các cơn đau, bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra toàn bộ cơ thể, bao gồm cả khám vùng chậu. Một số xét nghiệm mà bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện, bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu.
- Các xét nghiệm đánh giá xem có tình trạng mang thai hay không.
- Xét nghiệm kiểm tra các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Chụp X-quang.
- Siêu âm.
- Chụp CT.
4. Phương pháp điều trị tình trạng đau vùng chậu
Tùy thuộc vào chẩn đoán của bác sĩ, bệnh nhân sẽ nhận được một kế hoạch điều trị phù hợp. Bệnh nhân bị nhiễm trùng cần sử dụng kháng sinh để điều trị. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc khác để kiểm soát các cơn đau.
Đau vùng chậu có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khoẻ khẩn cấp, cần điều trị ngay lập tức, bao gồm:
- Viêm ruột thừa: Đây là tình trạng ruột thừa bị nhiễm trùng. Nếu ruột thừa vỡ ra, tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng nhanh chóng sang các bộ phận khác trong cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân bị viêm ruột thừa sẽ cần phẫu thuật ngay lập tức để loại bỏ ruột thừa, tránh các biến chứng nguy hiểm.
- Thai ngoài tử cung: Đây là tình trạng trứng sau khi thụ tinh làm tổ ở ống dẫn trứng thay vì tử cung của người mẹ. Ống dẫn trứng có thể bị vỡ nếu như tình trạng thai ngoài tử cung tiếp tục kéo dài, dẫn đến mất ống dẫn trứng hoặc thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Bệnh viêm vùng chậu: Đây là một loại nhiễm trùng nặng ở cơ quan sinh sản của bệnh nhân. Viêm vùng chậu có thể là biến chứng của một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục hoặc các nhiễm trùng khác. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến vô sinh. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng.
- Xoắn buồng trứng: Đây là một tình trạng không phổ biến xảy ra khi buồng trứng hoặc ống dẫn trứng xoắn xung quanh các dây chằng hỗ trợ. Xoắn buồng trứng gây đau và cần phải phẫu thuật để điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ cần phải cắt bỏ buồng trứng hoặc ống dẫn trứng mà không thể giữ lại được.
- Nang buồng trứng hoặc ống dẫn trứng: Nang là những túi chứa dịch có thể hình thành trên buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. U nang khá phổ biến và thường không gây hại. Hầu hết nang sẽ tự giảm kích thước theo thời gian nhưng một số nang có thể vỡ, gây đau hoặc chảy máu. Nếu chảy máu nặng, bệnh nhân cần phải được điều trị ngay lập tức để ngăn chặn mất máu và đe doạ tính mạng.
Đau vùng chậu có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do vấn đề ở các cơ quan sinh sản hoặc các cơ quan khác. Bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp thời. Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được xác định nguyên nhân và đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.