Bất kì một thay đổi nhỏ nào trên cơ thể mẹ bầu cũng đều có thể là tín hiệu cho biết về tình trạng sức khỏe của thai nhi. Hãy đến gặp bác sĩ ngay để có sự can thiệp kịp thời nếu như mẹ bầu có một trong các biểu hiện sau:
Phòng khám 400 Sản Phụ Khoa & KHHGĐ là 1 trong những cơ sở y tế uy tín, chất lượng nhất tại Thanh Hóa với đội ngũ Bác sĩ trình độ chuyên môn cao giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, tận tâm thường xuyên được đi học nâng cao cập nhật kiến thức mới ở bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Phụ Sản Trung Ương,…
Cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ mới nhất của Mỹ giúp bác sĩ khảo sát phát hiện sớm những bất thường và đưa ra kết luận chuẩn xác nhất hỗ trợ quá trình điều trị tốt nhất
Ra máu bất thường
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng ra máu trong thai kỳ mà phụ nữ mang thai cần biết, đó có thể là dấu hiệu trứng đã thụ tinh cấy vào tử cung, hiện tượng có thai ngoài tử cung, nhiễm trùng hoặc dọa sảy thai… Ra máu khi mang thai thường khiến các mẹ hoảng sợ và lo lắng. Nếu lượng máu ra rất ít thì mẹ bầu có thể nghỉ ngơi để theo dõi tiếp. Còn trong trường hợp ra máu nhiều, kèm theo đau bụng, chóng mặt, buồn nôn… thì phải đến bệnh viện để được xử trí. Những triệu chứng này nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
Mẹ mất đi cảm giác căng tức ngực
Trong suốt giai đoạn thai kì, sự thay đổi nội tiết tố sẽ làm tăng lưu lượng máu và sự thay đổi trong các mô của tuyến vú sẽ làm ngực mẹ bầu bị sưng, đau và căng tức, sẽ nhạy cảm hơn nhiều so với trước đây.
Từ tuần 4-6, núm ti mẹ cũng lớn lên và chuyển sang màu nâu sẫm, kéo dài trong suốt 3 tháng. Tiếp đến sang tuần thứ 8, bầu ngực sẽ lớn dần lên và phát triển tới tận cuối thai kỳ, lúc này mẹ bầu có cảm giác ngứa da ngực và có xuất hiện những vết rạn trên ngực. Nếu những cảm giác này mất đi, Mẹ bầu cần đi khám để gặp bác sĩ tư vấn trực tiếp.
Hoa mắt, chóng mặt
Hoa mắt chóng mặt khi mang thai là do sự gia tăng hoóc môn khiến các mạch máu co giãn làm tăng lưu lượng máu đến thai nhi. Kết quả là, bà bầu có chỉ số huyết áp thấp hơn so với bình thường và lượng máu lên não giảm, khiến các mẹ có cảm giác chóng mặt. Ngoài ra, việc thiếu chất dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu nước… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hoa mắt chóng mặt. Nếu hoa mắt chóng mặt kèm theo hiện tượng thay đổi thị giác, khó phát âm, ra máu hoặc ngất xỉu thì các mẹ cần đi khám, bởi chúng sẽ trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ và thai nhi.
Đau đầu dữ dội
Trong những tháng đầu của thai kỳ do khối lượng máu lưu thông tăng đột ngột dẫn đến các cơn đau đầu âm ỉ và kéo dài 2 bên thái dương hoặc sau gáy. Hầu hết hiện tượng đau đầu khi mang thai đều vô hại nhưng nếu bà bầu đang ở giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, và có một trong những triệu chứng đau đầu đi kèm những thay đổi về thị giác, sốt cao, buồn nôn, tăng cân đột ngột, phù nề tay, chân, mặt… các mẹ cần tới bác sĩ đo huyết áp và kiểm tra nước tiểu ngay lập tức để tránh hiện tượng tiền sản giật – đây là một hội chứng thai kỳ rất nghiêm trọng có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé.
Đau thắt vùng bụng dưới
Đau bụng bất thường khi mang thai là một trong những dấu hiệu nguy hiểm mà mẹ bầu nên lưu ý.
Nếu như những tháng đầu có thai, tình trạng đau lâm râm bụng dưới cho thai nhi đang làm tổ trong tử cung thường không đáng lo ngại. Nhưng nếu thai phụ bất ngờ bị đau thắt vùng bụng dưới đi kèm với dấu hiệu ra máu, đau lưng nặng có thể là dấu hiệu em bé trong bụng mẹ đang vô cùng nguy hiểm. Nếu những cơn co thắt mạnh thì bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ.
Sốt cao
Trong thời gian mang thai, sức đề kháng của chị em phụ nữ mang thai giảm sút đáng kể. Và một trong những nỗi lo của không ít thai phụ là bị sốt trong thai kỳ. Sốt trong thời gian mang thai có thể do nhiều nguyên nhân liên quan đến bệnh lý gây ra, như nhiễm siêu vi lúc bắt đầu có thai, bị lây nhiễm trong thời kì mang thai, nhiễm khuẩn do viêm bể thận, viêm nhau, màng ối… và nhiễm viêm gan siêu vi B… Hoặc cũng có thể do thay đổi cơ thể không kịp phản ứng với thay đổi thời tiết, nhiệt độ. Trong thời kỳ 3 tháng đầu – là giai đoạn hình thành và cấu tạo tổ chức, nếu bà bầu bị sốt thì phải thận trọng và nên được bác sĩ thăm khám để đánh giá đúng tình trạng sốt, đồng thời không được tự ý uống thuốc vì chúng có thể gây dị tật nguy hiểm cho thai nhi. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, sốt nhẹ có thể chưa gây ảnh hưởng gì đến thai nhi nhưng nếu sốt cao trên 39,5 độ C có thể làm tổn hại đến tính mạng của em bé trong bụng mẹ.
Ốm nghén nặng
Thông thường, ốm nghén với những biểu hiện hay gặp nhất là buồn nôn, nôn, dị ứng với mùi trong thai kỳ, đây là một điều bình thường với hầu hết các chị em phụ nữ mang thai và không có nguy cơ ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên một số trường hợp bà bầu bị nôn mửa quá nhiều không thể bổ sung các dưỡng chất khi mang thai đầy đủ dẫn đến cơ thể gầy yếu, sức đề kháng giảm, làm em bé có nguy cơ chậm phát triển. Ngoài ra, nếu mẹ bầu bị nôn ói nhiều trong 3 tháng cuối thì có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, nhau bong non – những biến chứng sản khoa vô cùng nguy hiểm, gây nguy hiểm tới cả mẹ và con. Do đó, khi bị ốm nghén nặng, kèm theo một số triệu chứng như sốt, đau bụng, nôn ra máu… bà bầu cần đi khám ngay để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ra khí hư và ngứa vùng kín
Do thay đổi hormone khi mang thai nên phụ nữ mang thai thường ra nhiều khí hư hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu gặp phải các vấn đề như khí hư có màu sắc khác thường, có mùi chua, sủi bọt hoặc khí hư có màu vàng, xanh xám thì có thể bà bầu đang mắc phải chứng viêm nhiễm âm đạo hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cần đi khám sớm. Nếu để kéo dài tình trạng viêm nhiễm trong thời gian mang thai này sẽ khiến người mẹ có nguy cơ sảy thai và sinh non cao. Ngoài ra, những tuần cuối của thai kỳ, nếu khí hư chứa nhiều chất nhầy, có thể kèm theo những vệt màu hồng hoặc đỏ sậm thì có thể là dấu hiệu bà bầu sẽ chuyển dạ sớm, cần phải lưu ý đi khám bác sĩ ngay.
Đái buốt hoặc đái rắt
Khi mang thai, tử cung to dần lên, đè trực tiếp vào phía sau bàng quang gây những kích thích làm cho thai phụ luôn có cảm giác mót đi tiểu, đái rắt. Riêng với trường hợp đái buốt phụ nữ mang thai cần biết, bởi đây có thể là do nhiễm trùng đường tiểu. Đây là nguyên nhân chính gặp ở trên 60% phụ nữ có dấu hiệu tiểu buốt. Nhiễm trùng đường tiểu có thể do viêm niệu đạo, bàng quang, thận. Hoặc tiểu buốt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc một số bệnh xã hội lây qua đường tình dục như lậu, mụn rộp sinh dục. Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu nếu không điều trị, dễ dẫn đến viêm thận, bể thận nguy cơ có thể gây sảy thai, trẻ đẻ nhẹ cân, non tháng và hậu quả nặng nề là dẫn đến suy thận. Vì thế, phụ nữ mang thai khi có biểu hiện đái buốt hoặc đái rắt nhiều cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa phụ khoa uy tín để được xác định chính tình trạng bệnh từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Tăng cân quá nhanh và nhiều
Tăng cân quá nhiều vẫn luôn là nỗi lo ngại của không ít phụ nữ mang thai bởi tăng cân quá nhiều trong thai kỳ không chỉ làm bà bầu mệt mỏi mà còn khiến thai nhi đối mặt với nhiều rủi ro. Không chỉ có thế, việc sinh con to cũng khiến các mẹ mất sức nhiều hơn, tổn thương phần mềm như rách âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, mất nhiều máu. Với các bà bầu quá cân sẽ khó lấy lại được vóc dáng sau sinh. Chưa kể, các mẹ cũng có thể bị các bệnh như tim mạch, tiểu đường sau sinh, nhiều khi mẹ tăng cân vượt chuẩn mà con sinh ra vẫn còi cọc. Một điều quan trọng các bà bầu cần lưu ý, khi cơ thể tăng cân quá nhanh (>2kg/tuần) kèm theo các triệu chứng phù nề, huyết áp cao, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt… thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiền sản giật vô cùng nguy hiểm cần phải được điều trị kịp thời, nếu không bệnh sẽ gây ra những hậu quả không lường cho cả mẹ và bé.
Không có dấu hiệu mang thai
Một điều đáng lưu ý phụ nữ mang thai cần biết là khi cơ thể đột nhiên thấy giảm và mất hết cảm giác nghén, bụng nặng và hơi tức, ngực mềm đi, không còn căng tức như ban đầu nữa, tự nhiên tiết sữa non, tâm trạng bồn chồn, bất thường, hay lo lắng, ra máu đen ở âm đạo…. Để được an tâm, tốt nhất bà bầu nên đến khám bác sĩ để nắm bắt rõ tình hình sức khỏe của mình.
Ngứa khi mang thai
Ngứa không chỉ đơn thuần do vệ sinh thân thể kém, mà ngứa toàn thân ở phụ nữ mang thai và đặc biệt là ngứa ở vùng bụng, lòng bàn tay hay ngón chân kết hợp với da bị vàng là dấu hiệu cảnh báo hội chứng ứ mật trong gan, các bác sĩ khuyên các bà bầu không nên chủ quan xem thường cảm giác ngứa khi mang thai, bởi chúng có thể mang lại những nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Rỉ ối
Rò rỉ nước ối có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu và em bé vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Chúng có thể gây ra các biến chứng như dị tật bẩm sinh, sinh non, sảy thai hoặc lưu thai. Rỉ ối được biểu hiện ở việc nước ối xuất ra ở âm đạo với số lượng ít khiến nhiều người nhầm lẫn với són tiểu. Tuy nhiên, nước ối không màu và có mùi tanh, còn nước tiểu có màu vàng và mùi amoniac đặc trưng.
Trên đây là 11 triệu chứng nguy hiểm phụ nữ mang thai cần biết, bạn có một trong những dấu hiệu trên thì các chị em cần đến các trung tâm y tế để khám ngay, tránh để lâu dài mà nguy hại cho sức khỏe của cả mẹ và con.
Lời khuyên để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn
Để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho đến khi mẹ tròn con vuông, người mẹ nên:
- Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ;
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh trong thai kỳ;
- Quan tâm đến biểu hiện cơ thể, quan sát cử động thai nhi hàng ngày để nhanh chóng phát hiện bất thường;
- Những người mẹ có nguy cơ trước đó cần phải trao đổi với bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm để có thể chuẩn bị và ứng phó kịp thời trong mọi tình huống xấu nhất.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Phòng khám 400 mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.