1. Khái quát về bệnh viêm tuyến Bartholine
1.1. Bartholine là tuyến gì?
Tuyến Bartholine nằm ở ngay dưới da 2 bên âm đạo của người phụ nữ nên thuộc cơ quan sinh dục ngoài, đảm đương nhiệm vụ tiết ra chất nhầy giúp cho môi nhỏ của “cô bé” được làm sạch và bôi trơn cho để việc quan hệ tình dục trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, tuyến này cũng giúp ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài vào bên trong của âm đạo.
1.2. Nguyên nhân gây viêm tuyến Bartholine
Cũng do đảm nhận những vai trò như đã nói đến ở trên nên tuyến Bartholine thường hay bị vi khuẩn xâm nhập. Nếu sức đề kháng của “cô bé” suy yếu, vi khuẩn sẽ có cơ hội tiến vào bên trong ống Bartholine và làm tắc tuyến dịch và hình thành nang tuyến Bartholine khiến cho nơi đây bị viêm nhiễm. Ngoài ra, chấn thương hoặc quan hệ tình dục thô bạo,… cũng có thể vô tình làm tổn thương ống tuyến và gây viêm tuyến Bartholine.
1.3. Triệu chứng nhận biết bị viêm tuyến Bartholine
Phụ nữ khó có thể nhận biết được nang u tuyến Bartholine vì các nang tuyến có kích thước nhỏ và không gây triệu chứng gì khó chịu. Trong trường hợp nang tuyến phát triển to hoặc bị viêm có thể sờ thấy hoặc nhìn thấy một khối nằm gần cửa âm đạo, mềm và thường không đau.
Khi nang tuyến bị nhiễm trùng sẽ gây sưng tấy, đau, thậm chí gây sốt, gây khó khăn cho quan hệ tình dục và di chuyển hoặc ngồi. Những nang bị nhiễm trùng thường cứng, sưng, chứa nhiều dịch mủ và dễ tạo thành áp xe trong khoảng 2 – 4 ngày.
Mặt khác, viêm nhiễm làm cho tuyến Bartholine không thể tiết ra chất nhờn nên phụ nữ dễ có cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục và bị kích thích bàng quang. Hệ quả của tình trạng này chính là rối loạn tiểu tiện.
2. Bị viêm tuyến Bartholine có tự khỏi được hay không và nên làm gì?
2.1. Viêm tuyến Bartholine có thể tự khỏi mà không cần điều trị không?
Băn khoăn viêm tuyến Bartholine có tự khỏi không chủ yếu xuất hiện từ tâm lý ngại ngùng, xấu hổ không muốn đi gặp bác sĩ thăm khám của người phụ nữ. Cũng chính vì tâm lý này mà nhiều người chần chừ đi kiểm tra, tạo cơ hội cho bệnh tiến triển, gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe sinh sản.
Chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo rằng bệnh lý này có khả năng tự khỏi hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, nhất là kích thước và khả năng nhiễm trùng. Khi nang tuyến còn chưa phát triển lớn, chưa xuất hiện triệu chứng thì thực tế là vẫn có nhiều trường hợp sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Như đã nói đến ở trên, đây là tuyến có nhiệm vụ tiết ra dịch nhầy để bảo vệ “cô bé”. Cũng vì thế mà nó đã được trang bị khả năng tự chống lại vi khuẩn gây bệnh. Trường hợp này người bệnh vẫn cần tái khám định kỳ để được bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng nang tuyến.
Khi sức đề kháng kém đi, việc vệ sinh vùng kín không thực hiện sạch sẽ thì tình trạng viêm nhiễm dễ trở nên nặng hơn và khối nang tăng kích thước gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là tình trạng cần phải chữa trị ngay chứ không nên băn khoăn, do dự tìm hiểu viêm tuyến Bartholine có tự khỏi không nữa.
2.2. Nên làm gì khi bị viêm tuyến Bartholine?
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau, tốt nhất người bệnh nên đến khám bác sĩ phụ khoa để được điều trị viêm tuyến Bartholinê sớm vì nó là tín hiệu cảnh báo bệnh đã trở nên nghiêm trọng:
– Bẹn có hiện tượng nổi hạch kèm theo sốt.
– Sờ thấy cục u nang ở cửa mình và thấy có mủ chảy ra từ đây.
– Phụ nữ trên 40 tuổi có khối u mới được phát hiện ở gần cửa âm đạo.
Nhờ việc thăm khám mà người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định những kiểm tra cần thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm tuyến Bartholine và có hướng điều trị phù hợp:
Trường hợp nang tuyến Bartholine kích thước nhỏ và không có triệu chứng thì hầu như không cần điều trị cũng sẽ tự khỏi.
– Trường hợp nang tuyến Bartholine sưng và viêm nhẹ có thể dùng nước nóng chườm, rửa nhiều lần ở vùng kín để kích thích làm cho nang nhanh vỡ và giảm bớt triệu chứng khó chịu do nang gây ra. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh kết hợp thuốc giảm đau chống viêm với mục đích giảm đau và đánh tan khối u nang.
– Trường hợp nang tuyến Bartholine đã lớn về kích thước và hình thành áp xe gây nên triệu chứng chảy mủ, sưng đau, nhiễm trùng thì có thể điều trị theo hai hướng:
+ Rạch nang tuyến Bartholine: người bệnh sẽ được bác sĩ tiêm thuốc tê tại chỗ sau đó dùng dao mổ rạch một đường nhỏ ở u nang để cho dịch thoát ra bên ngoài, cuối cùng, bác sĩ tiến hành dùng chỉ tiêu để khâu quanh mép nang giúp cho nang tuyến được tái tạo.
+ Bóc tách nang tuyến Bartholine: toàn bộ nang tuyến Bartholine sẽ được cắt bỏ hoàn toàn. Kết thúc thủ thuật, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh để làm giảm triệu chứng sưng đau sau phẫu thuật và phòng ngừa nguy cơ tái diễn viêm nhiễm. Sau phẫu thuật, người bệnh cần dùng dung dịch vệ sinh có tính sát trùng để làm sạch tầng sinh môn mỗi ngày.
Nói tóm lại, để biết chính xác viêm tuyến Bartholine có tự khỏi trong trường hợp của mình hay không, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám để có được câu trả lời cụ thể.