Sau khi vượt cạn, phụ nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe có thể gặp phải trong thời kỳ hậu sản. Một trong những rủi ro đó là hiện tượng bế sản dịch sau sinh. Vậy bế (tắc) sản dịch là gì? Biến chứng nguy hiểm như thế nào? Mẹ bầu cần tìm hiểu ngay để có cách phòng ngừa và xử trí kịp thời.
Tất cả phụ nữ đều mất một lượng máu đáng kể trong và sau khi sinh. Do lượng máu trong cơ thể đã tăng khoảng 50% trong suốt thai kỳ, nên quá trình mất máu này là hoàn toàn tự nhiên. Thế nhưng, vì một nguyên nhân nào đó, nhiều phụ nữ chảy máu rất ít kèm theo một số triệu chứng khó chịu. Y khoa gọi đó là hiện tượng bế (tắc) sản dịch.
Bế sản dịch là gì?
Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch sau sinh mổ hoặc thường không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung. Bế (tắc) sản dịch nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn sản dịch, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm… cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng sản phụ.
Dù là sinh thường hay sinh mổ, bạn cũng sẽ tiết sản dịch sau khi sinh. Sản dịch bao gồm máu, nước ối còn sót lại, mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung, dịch tiết cổ tử cung, tất cả sẽ chảy ra ngoài qua đường âm đạo. Quá trình tiết sản dịch kéo dài bao lâu tùy thuộc vào cơ địa từng người, trung bình 2 – 6 tuần.
Dấu hiệu bế sản dịch
Trong vài ngày đầu sau khi sinh, cơ thể sẽ đẩy ra một lượng máu khá lớn, màu đỏ tươi và trông giống như kinh nguyệt, kèm theo những cục máu đông nhỏ. 10 ngày sau khi sinh, sản dịch loãng dần, chủ yếu là tế bào bạch cầu và tế bào từ niêm mạc tử cung.
Những ngày sau đó, sản dịch sẽ tiết ít dần trước khi hết hoàn toàn sau 2 – 4 tuần. Một số trường hợp tiếp tục ra dịch sản trong vài tuần tiếp theo, tối đa 45 ngày sau sinh.
Quá trình trên diễn ra ở những sản phụ có sản dịch bình thường. Nhưng nếu bạn thấy mình xuất hiện các triệu chứng bất thường dưới đây, hãy nghĩ tới hiện tượng bế tắc sản dịch phụ khoa:
- Sản dịch chảy rất ít, có mùi hôi vì bị nhiễm trùng
- Căng tức vùng hạ vị, thỉnh thoảng có cơn đau âm ỉ
- Có cục cứng ở bụng, cảm nhận rõ khi sờ
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao
- Cổ tử cung đóng kín, đau khi ấn đáy tử cung
Nguyên nhân gây bế sản dịch sau khi sinh
Một số nguyên nhân sau đây dễ dẫn tới nguy cơ phát hiện tắc sản dịch sau khi đẻ:
1. Sinh mổ
Sinh mổ khiến sản phụ mất nhiều máu hơn so với sinh thường. Tử cung lại co bóp kém nên sản dịch khó được đẩy ra hết, ách tắc lại trong tử cung.
2. Mất máu nhiều trong lúc sinh
Mất máu là hiện tượng bình thường khi sinh nở, nhưng nếu bị mất máu quá nhiều, tử cung sẽ co bóp kém, thậm chí mất hẳn khả năng co bóp để đẩy sản dịch. Đây chính là nguyên nhân phổ biến của tình trạng tắc sản dịch sau sinh.
3. Biến chứng sau sinh
Các biến chứng xảy ra trong và sau khi sinh như thai to, đa thai, đa ối, quá trình chuyển dạ kéo dài… sẽ dễ khiến sản phụ bị bế tắc sản dịch.
4. Chế độ hậu sản không tốt
Phụ nữ có sức khỏe yếu sau sinh khiến phải nằm một chỗ, ít vận động đi lại, hoặc vệ sinh vùng kín không sạch dẫn đến nhiễm trùng… góp phần làm tăng nguy cơ bế sản dịch sau sinh mổ/thường.
5. Nguyên nhân khách quan
Khi trương lực cơ tử cung của sản phụ kém, cổ tử cung bị đóng kín, sức khỏe sản phụ suy kiệt… sẽ làm cho sản dịch không thể thoát ra ngoài.
Bế sản dịch có nguy hiểm không?
Bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Biến chứng này bao gồm nhiễm khuẩn máu, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, trong trường hợp nặng có thể phải cắt bỏ tử cung. Vì thế, các sản phụ sau sinh cần hết sức chú ý đến thời kỳ hậu sản của mình. Nếu phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không nên chủ quan mà phải đi khám ngay để có hướng xử trí đúng cách.
Cách chữa trị bế sản dịch cho sản phụ như thế nào?
Bạn không thể tự điều trị bế dịch sản sau sinh mà cần tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chỉ định can thiệp phù hợp. Các phương pháp phổ biến mà bác sĩ thường áp dụng để điều trị là:
1. Nong cổ tử cung
Đây là cách đầu tiên để xử trí tình trạng ứ sản dịch. Bác sĩ thực hiện nong cổ tử cung bằng cách đưa dụng cụ chuyên khoa vào để lấy hết phần tế bào, dịch ứ đọng bên trong tử cung ra ngoài. Thủ thuật này nên được tiến hành tại các cơ sở y tế đảm bảo điều kiện vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng hay biến chứng về sau.
2. Hút dịch tử cung
Tương tự như nong cổ tử cung, với phương pháp hút dịch tử cung, bác sĩ cũng sử dụng một dụng cụ chuyên khoa (là ống hút) để hút hết sản dịch ra ngoài. Ống hút này cần được vô trùng tuyệt đối; nếu không, sản phụ sẽ phải đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.
3. Dùng thuốc kích thích co bóp tử cung
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng tắc sản dịch là do tử cung co bóp kém, không đẩy được sản dịch ra ngoài. Thế nên, để điều trị, bác sĩ có thể cho can thiệp bằng thuốc giúp kích thích tử cung co bóp mạnh; từ đó đẩy hết các chất còn sót lại ra ngoài.
Cách phòng ngừa bế sản dịch như thế nào?
Để phòng tránh tình trạng ứ sản dịch sau sinh, mẹ cần ghi nhớ những biện pháp sau:
1. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Sản dịch là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và ký sinh trùng phát triển, gây ra tình trạng viêm nhiễm âm đạo và tử cung. Do đó, phụ nữ cần vệ sinh vùng kín đúng cách để tránh nhiễm khuẩn sau sinh. Bạn hãy rửa sạch vùng âm đạo sau mỗi lần thay băng vệ sinh, tốt nhất là bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh pha loãng.
Bên cạnh đó, bạn lưu ý dùng loại băng vệ sinh dành riêng cho sản phụ và thay băng thường xuyên, từ 4-5 lần/ngày. Không nên sử dụng tampon, không lau vùng kín bằng các loại khăn ướt có hóa chất, không thụt rửa âm đạo, không tắm bồn để tránh viêm nhiễm phụ khoa, tăng nguy cơ mắc bệnh.
2. Đi lại, vận động nhẹ nhàng
Mẹ sau sinh chỉ nên nằm nghỉ ngơi trong 6 – 8 giờ, sau đó phải ngồi dậy vận động, đi lại nhẹ nhàng. Điều này giúp tử cung co bóp đẩy nhanh sản dịch ra ngoài, rút ngắn quá trình hậu sản.
3. Cho bé bú sữa mẹ sớm
Cho con bú sớm là một hình thức gián tiếp kích thích tử cung co bóp để “tống khứ” sản dịch. Chính vì thế, bạn hãy thực hiện một số mẹo nhỏ nhằm kích sữa về nhanh (như massage bầu ngực, cho bé bú trực tiếp, dùng máy hút sữa…).
4. Chế độ ăn uống hợp lý
Phụ nữ sau sinh nên có chế độ ăn uống riêng, giúp lợi sữa đồng thời mau hết sản dịch. Có rất nhiều loại thực phẩm cần có trong thực đơn cho sản phụ như rau ngót, rau dền, ngải cứu… Chúng có tác dụng lợi sữa, đồng thời hỗ trợ quá trình co hồi của tử cung giúp sản dịch được đẩy ra nhanh chóng. Ngoài ra, các loại củ quả như mướp, đu đủ xanh, hoa chuối, nghệ… cũng có tác dụng tương tự, vừa kích thích tuyến sữa, vừa ổn định dạ dày và hồi phục tử cung.
5. Đi tiểu thường xuyên
Trong những ngày đầu sau sinh, bàng quang của bạn có thể kém nhạy cảm hơn bình thường. Vì vậy, bạn sẽ không cảm thấy cần phải đi tiểu ngay cả khi bàng quang đã khá đầy. Ngoài việc gây ra các vấn đề về tiết niệu, bàng quang đầy còn khiến tử cung khó co bóp hơn, dẫn đến sản dịch khó thoát ra ngoài hơn. Cho nên, đừng quên đi vệ sinh mỗi 2-3 giờ bạn nhé!