Ối vỡ non: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí

Ối vỡ non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của thai nhi. Các chuyên gia sản khoa cho biết tai biến này hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu được theo dõi và can thiệp thai kỳ đúng cách.

Vỡ ối là gì?

Thai nhi được nuôi dưỡng và bảo vệ bên trong một túi màng đầy chất lỏng (là nước ối) gọi là túi ối. Túi ối còn là nơi giúp thai nhi cử động và di chuyển trong bụng mẹ dễ dàng, tránh những tổn thương hoặc va đập bên ngoài. Đồng thời là màng chắn ngăn chặn sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn vào trong bào thai. Khi màng ối bị rách, nước ối sẽ rò rỉ ra bên ngoài thông qua cổ tử cung và âm đạo.

Túi ối là môi trường nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập và tác động của vi sinh vật bên ngoài
Túi ối là môi trường nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập và tác động của vi sinh vật bên ngoài

Vỡ ối thường là dấu hiệu cho thấy sản phụ đã đến lúc chuyển dạ. Thông thường, vỡ ối sẽ xảy ra khi thai đã đủ tháng (37 tuần) nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn (tình trạng này được gọi là ối vỡ non).

Phân loại vỡ ối

Trước đây, các chuyên gia sản khoa dùng khái niệm khác nhau để phân biệt các giai đoạn của vỡ ối:

  • Vỡ ối sớm: là tình trạng ối vỡ khi đã có chuyển dạ.
  • Ối vỡ non: trong trường hợp đã vỡ ối nhưng chưa có chuyển dạ.

Các trường hợp ối vỡ non, xử trí và tiên lượng phụ thuộc nhiều vào tuổi thai, do đó các bác sĩ chuyên khoa thường quan tâm đến ối vỡ trong các trường hợp:

  • Thai đủ tháng: trên 37 tuần
  • Thai non tháng: 34-37 tuần, hoặc 24-34 tuần, hoặc dưới 24-22 tuần…

Khi vỡ ối ở tuổi thai càng nhỏ, thai nhi càng có nguy cơ gặp nhiều nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tính mạng.

Nguyên nhân gây vỡ ối non

Thầy thuốc ưu tú, BS.CKII Lê Văn Thụ, nguyên Trưởng phòng KHTH, Bệnh viện phục sản Thanh Hóa cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến sản phụ có thể bị vỡ ối gồm:

1. Nhiễm trùng đường sinh dục dưới

Sản phụ có các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, âm hộ… có nguy cơ bị các vi khuẩn tấn công gây viêm màng ối, dẫn đến vỡ ối. Do đó, các chuyên gia sản khoa khuyến cáo sản phụ cần điều trị càng sớm càng tốt các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới nếu có.

2. Bệnh lý lây truyền qua đường tình dục

Giang mai, lậu, herpes sinh dục,… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vỡ ối.

3. Ngôi thai bất thường

Phần lớn các trường hợp ối vỡ non là do ngôi thai bất thường như ngôi ngang, ngôi mông; hoặc sản phụ mang đa thai, đa ối, khung chậu hẹp, nhau tiền đạo…

Các tư thế của ngôi mông
Ngôi thai bất thường là nguyên nhân thường gặp khiến sản phụ vỡ ối

Bác sĩ Lê Văn Thụ cho biết, với sự phát triển của y học hiện đại cùng hỗ trợ của trang thiết bị tối tân, hiện nay đã có thể thấy được ngôi thai bất thường. Từ đó, bác sĩ sản khoa sẽ đề nghị theo dõi thai kỳ chặt chẽ và hỗ trợ sinh sớm để phòng ngừa tối đa các nguy cơ vỡ ối non gây biến chứng nguy hiểm.

4. Hút thuốc lá

Thai phụ hút thuốc lá có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của thai nhi, cũng như nguy cơ vỡ ối trong thai kỳ.

5. Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác gây vỡ ối hiếm gặp hơn là do sản phụ có cơ địa cổ tử cung ngắn, hở eo cổ tử cung, thể trạng sản phụ kém do thiếu dinh dưỡng, sản phụ gặp chấn thương…

Dấu hiệu cảnh báo ối vỡ non

Khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo dưới đây, sản phụ cần nghĩ ngay đến vỡ ối và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời:

  • Bị rỉ nước từ âm đạo: Thông thường nước ối có thể rỉ một ít, nhưng cũng có trường hợp rỉ ối ồ ạt. Hiện tượng rỉ ối cũng khác với són tiểu, nước ối chảy chậm hơn, không màu và không mùi; nồng độ pH khác xa với nước tiểu nên có thể kiểm chứng ngay bằng giấy quỳ.
  • Rỉ ối kèm xuất huyết: Khi gặp tình trạng nước ối chảy ồ ạt kèm xuất huyết, sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế có can thiệp sản khoa để được can thiệp kịp thời.
  • Rỉ ối có màu hoặc có mùi bất thường: Trong trường hợp nước ối chảy ra có mùi và có màu lạ như màu vàng, màu xanh… sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xác định chính xác bởi đây có thể là dấu hiệu của nước ối bị nhiễm trùng hoặc có lẫn phân su.

Ối vỡ non có nguy hiểm không?

Bác sĩ Lê Thanh Hùng cho biết, tùy theo sức khỏe thai kỳ và thời điểm vỡ ối so với khi thai nhi đủ tháng (37 tuần) mà có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm khác nhau, trong đó nguy cơ lớn nhất là nhiễm trùng và sinh non.

Nhiễm trùng

Túi ối có vai trò bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn, vi trùng gây hại. Khi màng ối vỡ, nước ối rỉ ra bên ngoài khiến lớp bảo vệ này suy yếu, vi sinh vật có hại từ bên ngoài xâm nhập vào làm tổn thương thai nhi. Khi bị nhiễm trùng, thai nhi có nguy cơ bị suy hô hấp khi chào đời.

Trong trường hợp nhiễm trùng ối khi ngôi thai chưa ổn định sẽ dẫn đến sa dây rốn, thậm chí gây rụng rốn khiến thai nhi không nhận được dinh dưỡng và oxy.

Sản phụ bị vỡ ối có nguy cơ bị nhiễm trùng máu, viêm phúc mạc (màng bao bọc tất cả các cơ quan bên trong ổ bụng và hố chậu)…

Sinh non

Trong trường hợp sản phụ bị vỡ ối kèm theo các nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng, bác sĩ sản khoa có thể yêu cầu mổ lấy thai ngay lập tức nếu điều kiện sinh ngả âm đạo không thuận lợi, càng kéo dài thời gian vỡ ối nhiễm trùng sẽ càng nặng thêm.

Việc thai nhi được đưa ra bên ngoài trước tuần thứ 37 của thai kỳ có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ về sau như mắc các bệnh lý hô hấp, bệnh lý thị giác, nhiễm trùng…

Thai nhi chào đời trước tuần thứ 24 của thai kỳ có nhiều nguy cơ cho sức khỏe và các bệnh lý sinh non. Trường hợp sản phụ ối vỡ non gây khởi phát chuyển dạ sớm thì bé sinh non cũng đối mặt với các nguy cơ tương tự.

Sản phụ cần làm gì khi bị vỡ ối?

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo vỡ ối, sản phụ cần:

Đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra

Để xác định chắc chắn có phải vỡ ối hay không, sản phụ nên đến ngay cơ sở y tế có đơn vị sản khoa giỏi để được bác sĩ kiểm tra cổ tử cung, xem hiện tượng rỉ nước có phải là rỉ ối không, nước ối có bị nhiễm trùng không, sản phụ đã khởi phát chuyển dạ hay chưa… Ngoài ra, sản phụ sẽ được chỉ định siêu âm để xác định xem lượng ối còn trong buồng ối.

Sản phụ có thể nằm theo dõi tại cơ sở y tế trong vài giờ đồng hồ, nếu tình trạng không nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho sản phụ về theo dõi tại nhà.

Tiếp tục theo dõi thai kỳ tại nhà

Khi theo dõi thai kỳ tại nhà, sản phụ cần chú ý:

  • Đo kiểm tra nhiệt độ cơ thể mỗi 4 – 8 giờ, nếu nhiệt độ trên 37 độ C hoặc thậm chí trên 38,5 độ C, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, sản phụ cần quay lại ngay cơ sở y tế.
  • Theo dõi màu sắc nước ối bằng cách sử dụng miếng băng vệ sinh hàng ngày. Khi nhận thấy bất cứ thay đổi về màu sắc và mùi của nước ối, sản phụ cần quay lại cơ sở y tế để được xử trí đúng cách.

Chuẩn bị tinh thần cho việc sinh sớm

Khi những lợi ích sinh sớm lớn hơn những nguy cơ của vỡ ối mang lại, bác sĩ sản khoa sẽ chỉ định sản phụ sinh ngả âm đạo hay mổ lấy thai ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi.

Để chuẩn bị cho việc mổ lấy thai, sản phụ có thể tìm hiểu về các kỹ thuật sinh không đau hiện đại, cách chăm sóc sức khỏe sau mổ cũng như chọn lựa bệnh viện có đơn vị chăm sóc sơ sinh tốt, có kinh nghiệm trong việc nuôi trẻ sinh non, đảm bảo trẻ sinh ra khỏe mạnh và đủ nền tảng phát triển.

Xử trí ối vỡ non

Bác sĩ Lê Văn Thụ cho biết, tùy thuộc vào tuổi thai nhi khi mẹ bị vỡ ối mà sản khoa sẽ có hướng can thiệp xử trí phù hợp. Với thai nhi đủ tháng, sẽ tiến hành chấm dứt thai kỳ ngay bằng sinh thường hay mổ. Với trường hợp vỡ ối khi tuổi thai còn nhỏ (ối vỡ non), cần chăm sóc và nuôi dưỡng thai.

Cụ thể là:

Tuổi thai 22 – 31 tuần

Ở tuổi thai này thai nhi chưa phát triển toàn diện, nếu ra đời sớm có thể gặp nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe cũng như nền tảng phát triển thể chất về sau. Do đó, trong trường hợp vỡ ối xảy ra, bác sĩ sẽ cố gắng tiếp tục dưỡng thai bằng cách:
Dùng thuốc trưởng thành phổi (thường 24-34 tuần).
Quản lý nhiễm khuẩn như hạn chế việc thăm khám bằng tay, thay vào đó là mỏ vịt; cấy dịch cổ tử cung, âm đạo, hậu môn cho sản phụ; sử dụng kháng sinh phổ rộng để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng cho cả sản phụ và thai nhi; theo dõi monitor sản khoa 1-3 lần/ngày, siêu âm đánh giá thai, rau và nước ối.
Sử dụng thuốc chống co thắt khi sản phụ xuất hiện cơn gò chuyển dạ.

Tuổi thai 32 – 33 tuần

Bác sĩ sẽ chỉ định tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng thai nhi trong thời gian dài nhất có thể bằng cách:
Sử dụng thuốc corticoid để kích thích trưởng thành phổi thai nhi.
Theo dõi monitor tim thai, kiểm tra sự phát triển của thai nhi bên trong tử cung.
Kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả tình trạng nhiễm khuẩn ở sản phụ.
Sử dụng thuốc giảm co.

Khi có đầy đủ cơ sở trưởng thành phổi, nhiễm khuẩn và thai suy, bác sĩ sẽ chỉ định khởi phát chuyển dạ.

Tuổi thai 34 – 36 tuần

Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi thai nhi qua siêu âm thai và monitor sản khoa, không khuyến cáo sử dụng corticoid. Khoảng 90% sản phụ sẽ xuất hiện cơn chuyển dạ tự nhiên trong vòng 24 giờ sau khi vỡ ối.

Tùy thuộc vào sức khỏe thai nhi, tình trạng ối và nhiễm khuẩn mà bác sĩ sẽ có chỉ định chờ cơn chuyển dạ tự nhiên hay khởi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai. Trong trường hợp có đầy đủ cơ sở trưởng thành phổi, bác sĩ sẽ chỉ định đưa thai nhi ra ngoài, chấm dứt thai kỳ ngay lập tức. Trong trường hợp vẫn giữ thai, cần quản lý chặt chẽ tình trạng nhiễm khuẩn. Không sử dụng thuốc giảm co khi thai 36 tuần.

Tuổi thai trên 37 tuần

Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) khuyến cáo chấm dứt thai kỳ khi thai trên 37 tuần bị vỡ ối, từ 12 – 24 giờ sau vỡ ối nhằm hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Tiến hành khởi phát chuyển dạ ngay sau 12 giờ hoặc sớm hơn nếu thuận lợi.

Phòng tránh ối vỡ non

Ngăn ngừa tình trạng ối vỡ non là biện pháp tốt nhất giảm thiểu biến chứng nguy hiểm đe dọa sản phụ và thai nhi. Sản phụ có thể phòng ngừa bằng cách:

  • Kiểm soát và điều trị hiệu quả các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới trong quá trình mang thai.
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết; có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá…;
  • Tham khảo và chọn lựa cơ sở y tế có đơn vị sản khoa và đơn vị sơ sinh mạnh để đảm bảo sản phụ và trẻ sinh ra được chăm sóc tốt nhất.
  • Không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn đã trải nghiệm và hài lòng với dịch vụ của chúng tôi, xin hãy mách nhỏ với bạn bè và người thân của mình. Trong trường hợp chưa hài lòng về dịch vụ đã nhận, xin vui lòng cho chúng tôi biết vấn đề của bạn qua:
Cơ sở 1: 400 Hải Thượng Lãn Ông – TP Thanh Hóa.
Cơ sở 2: 440 Trần Phú – TP Thanh Hóa.
Hotline/Zalo: 0919.329.400.
Website: 400clinic.com
Tiktok: @Phongkham400thanhhoa
Bạn cũng có thể đặt lịch hẹn nhanh chóng qua các kênh liên hệ trên nhé!
Phòng khám 400 Sản Phụ khoa & KHHGĐ
Chất lượng & sự hài lòng

Hãy nhấc máy và liên hệ cho chúng tôi vì điều đó là miễn phí và mang lợi ích cho bạn Hotline 0919.329.400 hoặc đăt lịch trực tiếp Tại Đây.

 

`