Tiền mãn kinh là giai đoạn hoạt động của buồng trứng bắt đầu suy giảm và có những triệu chứng lâm sàng trước khi chuyển sang giai đoạn mãn kinh hoàn toàn. Thời kỳ tiền mãn kinh thường xuất hiện vào độ tuổi 45, nhưng cũng có khi bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn 38 – 40.
Mãn kinh không phải là bệnh mà là quá trình lão hóa tự nhiên do hiện tượng suy giảm dần dần và sau đó sẽ là không còn Estrogen mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Mãn kinh được xác định khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong vòng 12 tháng liên tục ở những phụ nữ vốn dĩ có kinh đều.
Nguyên nhân tiền mãn kinh sớm có thể do tự nhiên, nhưng cũng có thể do các can thiệp y khoa. Phụ nữ phải phẫu thuật lên buồng trứng cả 2 bên do các bệnh lý của buồng trứng, hoặc phải xạ trị hay hoá trị vì bệnh lý ung thư có hoặc không có liên quan buồng trứng… đều có thể dẫn đến suy tuyến buồng trứng và gây tiền mãn kinh – mãn kinh sớm.
Trường hợp hết kinh sớm nhất bác sĩ từng tiếp nhận điều trị là bệnh nhân mới chỉ 18 tuổi, có thể bệnh lý chưa kịp dậy thì đã mãn kinh. Một số trường hợp trẻ hơn sinh ra số lượng trứng ít hơn so với người bình thường. Thứ 2 là nhóm do có tác động của phẫu thuật lên buồng trứng, làm giảm số lượng trứng khiến khoảng thời gian cho việc có con của phụ nữ ngắn lại, nếu điều trị sớm thì bác sĩ có thể giúp được người bệnh. Ngược lại, đi khám quá muộn khi mãn kinh thì giải pháp cuối cùng phải xin trứng để làm thụ tinh ống nghiệm.
Cách nhận biết, điều trị sớm
Tiền mãn kinh – mãn kinh nếu được cảnh báo và điều trị hỗ trợ sớm sẽ làm chậm quá trình lão hóa, giúp người phụ nữ dự phòng các bệnh lý đi kèm như: loãng xương, bệnh mạch máu do đóng xơ vữa, trầm cảm, mất ngủ, đặc biệt là hội chứng niệu dục tuổi mãn kinh bao gồm rối loạn chức năng đường tiểu dưới (tiểu gấp, tiểu són, tiểu rát buốt…), các bất thường tại âm đạo (teo âm hộ âm đạo, giao hợp đau rát, khó giao hợp do khô teo…)… Thông qua khám Phụ khoa định kỳ, các bác sĩ Phụ khoa sẽ tư vấn và có hướng điều trị cụ thể cho các chị em khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Phụ nữ trong độ tuổi còn trẻ từ 20-40 tuổi nếu xảy ra tình trạng mất kinh cần đi khám bệnh sớm để tìm nguyên nhân, điều trị kịp thời. Một số bệnh có thể dễ lầm tưởng mãn kinh sớm như hội chứng buồng trứng đa nang, gây tình trạng vô kinh, hoặc một số biến cố sau sinh cũng có thể gây suy buồng trứng. Do đó để chẩn đoán chính xác tiền mãn kinh, mãn kinh sớm người bệnh cần khám, xét nghiệm nội tiết để tìm nguyên nhân thực sự.
Để nhận biết sớm dấu hiệu tiền mãn kinh – mãn kinh, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, hỏi về chu kỳ kinh nguyệt trong 12 tháng gần nhất, cơ thể chị em có các triệu chứng của cơn “bốc hỏa” không, cảm giác nóng nực, bực bội, vã mồ hôi, mất ngủ, dễ gãy xương khi té ngã… Nhóm bệnh nhân còn trẻ sẽ cần thêm các bằng chứng của xét nghiệm, thử máu, bằng chứng khẳng định buồng trứng dấu hiệu ngưng hoạt động. Đa số sẽ thực hiện xét nghiệm, định lượng các chỉ số về nội tiết tố nữ và siêu âm phụ khoa ghi nhận thêm tử cung teo nhỏ lại, niêm mạc tử cung mỏng, buồng trứng teo nhỏ không có nang noãn…
Người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn và thảo luận kế hoạch điều trị thông qua sử dụng các loại thuốc bắt chước tương tự hoạt động buồng trứng gọi là nội tiết hỗ trợ, hoặc sử dụng các thảo dược hỗ trợ. Ngoài ra phối hợp thêm các thuốc để giải quyết hậu quả tiền mãn kinh, mãn kinh như: khô âm đạo, mất ngủ, viêm đường tiểu… Riêng nhóm chị em gặp khó khăn trong sinh sản sẽ được can thiệp điều trị bằng các phác đồ hỗ trợ sinh sản phù hợp tùy từng trường hợp cụ thể”, bác sĩ Mỹ Nhi thông tin.
Trước thực trạng nhiều chị em rơi vào tiền mãn kinh – mãn kinh sớm, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng. Ngoài việc tầm soát các ung thư phụ khoa (ung thư cổ tử cung, ung thư vú…), thì chẩn đoán và xử trí sớm các tình trạng tiền mãn kinh – mãn kinh sớm góp phần giúp các chị em phụ nữ được dự phòng thêm một số các bệnh lý do mãn kinh gây ra.