Đau ngực có thể là một triệu chứng vô hại trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân chính gây ra vấn đề này thường là do tình trạng ợ chua hoặc khi tử cung ngày càng lớn dần tạo áp lực lên các cơ quan trong khoang ngực. Tuy nhiên, đau tức ngực khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu cho thấy một tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như tiền sản giật hoặc đau tim, cần được điều trị y tế ngay lập tức.
1. Đau tức ngực và các triệu chứng khác khi mang thai
Đau tức ngực khi mang thai có thể là một vấn đề sức khỏe thường gặp ở mẹ bầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng đau tức ngực khi mang thai cũng có thể liên quan đến các tình trạng y tế nghiêm trọng khác.
Đặc biệt, khi quá trình mang thai đang tiến triển, tất cả những thay đổi trong cơ thể mẹ bầu có thể làm nhịp tim tăng cao hơn bình thường. Thai nhi trong bụng mẹ cũng ngày một lớn dần hơn và làm tăng áp lực lên dạ dày cũng như phổi của người mẹ.
Nhìn chung, bà bầu bị đau tức ngực khó thở trong thời kỳ mang thai có thể đi kèm một số triệu chứng điển hình khác sau đây:
- Khó thở trong khi ngủ hoặc nằm thẳng.
- Nhịp tim nhanh.
- Mệt mỏi.
- Huyết áp thấp.
2. Nguyên nhân phổ biến gây đau tức ngực khi mang thai
Tình trạng đau tức ngực hoặc đau xương ức khi mang thai có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân phổ biến sau đây.
2.1. Sự lo lắng
Đôi khi, chính sự phấn khích khi biết tin “vui” có thể khiến tâm trạng bà bầu nhanh chóng chuyển thành lo lắng và căng thẳng, đặc biệt nếu đây là lần mang thai đầu tiên hoặc sau một lần sảy thai trước đó. Khi bạn bắt đầu cảm nhận được những thay đổi về thể chất cũng có thể gây ra cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc thậm chí là hoảng sợ.
Những tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ và mang lại cho bạn các triệu chứng thể chất như đau tức ngực. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể có các biểu hiện khác như chóng mặt, thở nhanh, cảm giác bồn chồn và khó tập trung.
2.2. Ốm nghén
Những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu cho bạn biết rằng mình đang mang thai thường bao gồm cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Đây có thể là các triệu chứng của ốm nghén, có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, thậm chí cả ban đêm. Nguyên nhân chính gây ốm nghén có thể là do tình trạng tăng đột biến các hormone mà cơ thể tạo ra khi mang thai.
Tất cả các cơn buồn nôn và nôn mửa do ốm nghén sẽ khiến mẹ bầu bị giảm cân tạm thời và có nguy cơ cao gặp phải tình trạng mất nước. Chứng ốm nghén nghiêm trọng có thể khiến bà bầu bị đau tức ngực, khó thở. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ cảm nhận được cơn đau ngực khi chất nôn có tính axit liên tục kích thích cổ họng. Điều này góp phần khiến cho dạ dày và cơ ngực của bạn trở nên mệt mỏi, dẫn đến đau cơ.
2.3. Các vấn đề về phổi
Nếu bạn đang mắc hen suyễn, tình trạng bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn khi mang thai. Điều này có thể khiến cho các triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng hơn trước đây và dẫn đến khó thở kèm theo cơn đau tức ngực khi mang thai.
Một số vấn đề khác như cảm lạnh, nhiễm trùng phổi, viêm phổi hoặc dị ứng nặng cũng góp phần khiến bà bầu bị đau tức ngực khó thở hoặc đau xương ức khi mang thai. Đau ngực do các bệnh lý về phổi có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, kể cả 3 tháng đầu thai kỳ.
2.4. Ợ nóng
Trào ngược axit có thể gây ra cơn đau tức ngực khi mang thai và khiến mẹ bầu cảm thấy như tim mình đang bị đốt cháy. Cơn đau ngực do ợ nóng thường xảy ra ở gần giữa ngực và có thể lan lên đến cổ họng. Điều này là do axit từ dạ dày vọt lên thực quản – ống chạy từ miệng xuống dạ dày.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của nồng độ hormone progesterone cũng có thể là một nguyên nhân khác gây đau tức ngực khi mang thai. Khi mức độ của loại hormone này tăng cao có thể làm giãn các cơ vòng thực quản đóng lại ở phần đầu của dạ dày, cùng với sự chèn ép nhiều hơn vào dạ dày khi thai nhi đang lớn dần lên đã dẫn đến chứng ợ nóng và đau ngực khi mang thai.
Chứng ợ nóng có xu hướng xảy ra phổ biến hơn trong kỳ tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên, một số phụ nữ cũng có thể mắc phải tình trạng này trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên.
2.5. Khí đường ruột
Khí đường ruột có thể gây đầy hơi, mùi hôi, xì hơi và các cơn đau tức ngực khi mang thai. Các tình trạng này còn được gọi là chứng khó tiêu, thường xảy ra khi khi bị mắc kẹt ở phần trên của dạ dày. Nếu cơ thể bạn tích tụ nhiều khí có thể gây đau ngực ở phần dưới hoặc trên của ngực.
Tình trạng đau tức ngực do khí đường ruột thường xuất hiện phổ biến trong kỳ tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, khi thai nhi đang phát triển mạnh mẽ trong bụng mẹ. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố thai kỳ cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tiêu hoá bình thường của cơ thể và dẫn đến tình trạng đầy hơi.
3. Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây đau tức ngực khi mang thai
Nguyên nhân của đau tức ngực khi mang thai có thể xuất phát từ một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như đau tim, tiền sản giật hoặc một bệnh tim nhất định.
3.1. Tiền sản giật
Bà bầu bị đau tức ngực khó thở có thể là một biến chứng nghiêm trọng khi mang thai, cụ thể là tiền sản giật, đôi khi có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của tiền sản giật, bao gồm:
- Huyết áp cao.
- Chứng ợ nóng không thể cải thiện ngay cả khi sử dụng thuốc kháng axit hoặc thay đổi lối sống.
- Cơn đau đầu dai dẳng.
- Đau ở bụng trên, bên phải hoặc ở dưới xương sườn.
- Rối loạn thị giác.
- Tăng cân đột ngột.
- Sưng ở mặt và tay.
- Xuất hiện protein trong nước tiểu.
Tình trạng tiền sản giật thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, tiền sản giật vẫn tiếp tục diễn ra sau khi mang thai hoặc sau khi sinh con. Bên cạnh đó, phụ nữ bị tiền sản giật cũng có thể gặp các biến chứng liên quan, chẳng hạn như vỡ hồng cầu, tăng men gan hoặc số lượng tiểu cầu thấp.
3.2. Bệnh tim hoặc cơn đau tim
Một nguyên nhân tương đối phổ biến khác của tình trạng đau tức ngực khi mang thai là cơn đau tim. Trong thời gian thai kỳ, lượng máu cơ thể mẹ bầu tăng lên để phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Để bơm thêm máu hiệu quả hơn, nhịp tim của người mẹ cũng tăng lên, cộng thêm sự căng thẳng có thể dẫn đến cơn đau tim. Ngoài ra, những phụ nữ mắc bệnh tim hoặc có các tình trạng về tim khác từ trước cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị đau tim khi mang thai.
Bệnh tim ở phụ nữ mang thai có thể biểu hiện dưới một số triệu chứng sau đây:
- Nhịp tim nhanh.
- Đau tức ngực.
- Khó thở cực độ.
- Ho mãn tính.
- Cực kỳ mệt mỏi.
- Tăng cân.
- Ngất xỉu.
Phụ nữ mang thai nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào ở trên cần đi khám càng sớm càng tốt nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm khác cho sức khỏe.
3.3. Cục máu đông trong phổi
Cục máu đông trong phổi hoặc thuyên tắc phổi (PE) được xem là một nguyên nhân hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, khiến bà bầu bị đau tức ngực khó thở hoặc đau xương ức khi mang thai.
Tình trạng đe doạ tính mạng này thường xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn trong phổi. Bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu bị thừa cân hoặc béo phì trong thời kỳ mang thai, hay có tiền sử bị đông máu và mắc các rối loạn di truyền như yếu tố V Leiden.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai có thể bị thuyên tắc phổi trong hoăc sau khi chuyển dạ và sinh nở. Trong một số trường hợp cực hiếm, nó cũng có thể xảy ra vào cuối thai kỳ, tức trong kỳ tam cá nguyệt thứ 3.
Tình trạng thuyên tắc phổi trong thai kỳ có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Đau ngực khi ho.
- Đau ngực khi hít thở sâu.
- Nhịp tim nhanh.
- Chân bị sưng tấy.
3.4. Đau xương sườn
Xương của bạn cũng có những thay đổi nhất định trong thai kỳ. Khung xương sườn có xu hướng mở rộng ra cùng với bụng. Điều này chủ yếu diễn ra trong kỳ tam cá nguyệt thứ 3, đôi khi sớm nhất là vào kỳ tam cá nguyệt thứ 2.
Khi xương sườn mở rộng có thể làm cho thanh sụn kết nối xương sườn với xương ức bị kéo căng ra, dẫn đến đau xương ức khi mang thai. Bên cạnh đó, tình trạng đau xương sườn hoặc viêm túi lệ cũng được xem là nguyên nhân gây đau tức ngực cho mẹ bầu. Đặc biệt, cơn đau sẽ tăng lên khi bạn hít thở sâu vào cuối thai kỳ.
4. Phương pháp điều trị tại nhà cho đau tức ngực khi mang thai
Hầu hết các nguyên nhân gây đau tức ngực khi mang thai đều là những tình trạng sức khoẻ không đáng lo ngại và ít khi cần phải điều trị y tế. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau ngực, đôi khi, bạn có thể làm dịu cơn đau bằng các phương pháp điều trị tại nhà, bao gồm một số mẹo sau:
- Thiền định, nghe nhạc thư giãn khi cảm thấy lo lắng.
- Lên lịch thăm khám bác sĩ để tìm ra biện pháp kiểm soát nỗi lo lắng.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày nhằm giúp giảm cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
- Tránh các loại thức ăn cay nóng.
- Không ăn những loại thực phẩm kích thích chứng ợ nóng, ví dụ như bơ sữa, cà chua, bạc hà, sô cô la và trái cây họ cam quýt.
- Tránh tiêu thụ các thực phẩm gây đầy hơi, chẳng hạn như thức ăn có đường hoặc đồ chế biến sẵn.
- Uống trà gừng giúp giảm cơn buồn nôn.
- Chườm ấm giúp dịu cơn đau cơ và đau xương sườn.
- Chườm lạnh giúp giảm sưng và đau cơ.
- Mặc áo ngực thoải mái, không có cọng.
- Nằm nghiêng giúp giảm áp lực lên phổi và ngực.
5. Đau tức ngực khi mang thai – khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu tình trạng đau tức ngực khi mang thai không biến mất, thậm chí trở nên dữ dội hơn và xuất hiện các triệu chứng bất thường khác ngay cả khi bạn nghỉ ngơi hoặc nằm. Một số mẹ bầu có thể bị cao huyết áp và có các tình trạng khác làm ảnh hưởng đến tim.
Nhìn chung, phụ nữ mang thai cần tìm đến sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu có các triệu chứng sau đây:
- Khó thở nghiêm trọng hoặc đột ngột.
- Buồn nôn và nôn quá mức.
- Đau ngực nặng hơn khi ho.
- Đau đầu, mờ mắt, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Nhịp tim nhanh.
- Nước tiểu sẫm màu hoặc tần suất đi tiểu ít hơn bình thường.
- Phù ở mắt cá chân hoặc chân.
- Sưng ở mặt hoặc bất cứ nơi nào khác trên cơ thể.
- Chỉ sưng một bên chân hoặc mắt cá chân.
- Đau chân hoặc cơ bắp.
Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết nếu bà bầu bị đau tức ngực khó thở khi mang thai và đã từng bị giãn tĩnh mạch hoặc có cục máu đông. Bên cạnh đó, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim, giãn tĩnh mạch và đột quỵ cũng cần thông báo cho bác sĩ biết vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi.
6. Điều trị y tế cho đau tức ngực khi mang thai
Hầu hết phụ nữ bị đau tức ngực khi mang thai không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên dữ dội hoặc xuất phát từ một nguyên nhân nghiêm trọng, người bệnh có thể cần được điều trị bằng một số phương pháp cụ thể.
Việc sử dụng thuốc hoặc điều trị nguyên nhân cơ bản gây đau ngực sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng này. Chẳng hạn, bác sĩ có thể yêu cầu thay đổi loại thuốc điều trị hen suyễn cho phụ nữ mang thai để ngăn ngừa cơn đau tức ngực xảy ra. Nếu bạn bị ốm nghén nặng, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng thuốc hoặc dịch truyền tĩnh mạch để kiểm soát cơn buồn nôn.
Mẹ bầu cũng nên mang vớ nén và đi bộ thường xuyên để ngăn ngừa cục máu đông hình thành ở chân hoặc bất kỳ khu vực nào khác trên cơ thể. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc làm loãng máu heparin sau khi bạn sinh con nhằm giúp ngăn chặn cục máu đông.